Một bài viết của cô vợ tên Xuân Mai (Nam Định) đăng trong một hội nhóm chị em về màn vùng lên trước ông chồng gia trưởng khiến chị em vỗ tay rào rào.
Bài viết như sau:
"Có ai như em không các chị? Ngày xưa bảo lấy chồng gần để có gì còn chạy về với mẹ. Nghĩ là nương nhờ mẹ thôi, chứ biết chắc cũng chẳng giúp đỡ được gì mẹ. Bố mẹ em có điều kiện kinh tế nhưng luôn dạy con phải ngoan ngoãn, lễ phép, biết điều.
Tuy nhiên, em cũng ngạc nhiên khi em cởi chiếc váy cưới ra là chồng em bảo: "Làm vợ anh rồi, nhà phải có nóc, lúc nào anh cho về mới được về. Chứ anh không thích phụ nữ cứ thoắt cái là về nhà mẹ đẻ, cứ như gái son, chưa chồng".
Em cũng cười bảo: "Mẹ nuôi em bao nhiêu năm để giờ cho anh hưởng. Anh cảm ơn mẹ chẳng hết còn cự nự với em làm gì". Thế nhưng chồng em vẫn quả quyết: "Anh chỉ nói 1 lời. Mẹ vẫn là mẹ em. Nhưng về bên đó phải bảo anh, ok thì mới về".
Thế nhưng, cứ khẽ em vừa bảo về nhà mẹ cái là anh lại nói hết lý do này sang lý do khác, thậm chí có cả lý do: "Bố mẹ anh không thích điều này. Vài ba tháng về 1 lần thôi". Em thì thấy vô lý lắm nhưng mà cho ấm êm nhà cửa nhiều lúc em cũng bỏ qua.
Lần gần đây bố em bị cảm, nhà em chẳng có ai ở nhà, bố gọi em, nên em bảo con về ngay. Thế mà em vừa nói với chồng, chồng em đã giãy lên: "Vừa mới về tháng trước. Em cứ thích vẽ ra các lý do không đâu. Đi về nhà chồng mà tâm tư lúc nào cũng hướng về nhà đẻ là làm sao?".
Em nói lại lần nữa: "Lần này em chỉ thông báo với anh thôi. Bố em ốm, em phải về chăm. Gả con đi chứ có phải bán con làm nô lệ đâu mà phải chịu mất con như thế. Nhà có 5km mà bố ốm, con gái không về chăm được thì có phải là anh là con rể tồi không?". Chồng em vênh mặt lên bảo: "Được, vậy cô cứ về. Về rồi thì ở lại luôn đấy đi".
Em thì nhịn mãi cái sự vô lý của chồng rồi. Lần này bố em ốm mà anh ta còn như thế, sau này em trông cậy gì. Nên dù phải nói chồng em cũng là chồng không tồi nhưng khoản gia trưởng và vô lý này thì em cũng 'lành làm gáo vỡ làm muôi'. Bố mẹ nuôi em lớn mà giờ em bị cấm đoán vô lý như thế. Vì vậy em lên nhà cho quần áo vào vali, nói thêm là em đang mang thai con gái.
Em vừa dọn đồ em vừa bảo: "Trước đây em bỏ qua vì em nể trọng anh, nhưng việc em về nhà bố mẹ chẳng có gì sai. Nếu đúng không phải là xin phép anh mà chỉ là thông báo. Anh ở nhà với bố mẹ cả đời, còn em thỉnh thoảng về thăm bố mẹ không có gì phi lý. Bố mẹ em cũng nuôi em từng ấy năm. Anh muốn làm 1 ông chồng gia trưởng thì hãy sống một mình đi".
Em chốt thêm: "Còn con gái anh đó, sau này anh ốm, con anh bị chồng nó cấm đoán không về thăm bố ốm thì anh sẽ hiểu". Thế mà bỗng dưng em thấy chồng em đang dữ dằn bỗng trở nên mềm nhũn ra.
Em không thể tin được là chồng em bỗng khóc tức tưởi: "Ừ, có thế mà anh không nghĩ ra. Nghĩ đến thế, anh đã đau lòng lắm rồi. Xin lỗi em, tại anh nghe lời mấy bà cô xấu tính cứ xúi bẩy mà đối xử với em và bố mẹ em như thế. Anh sai rồi. Anh sẽ đèo em cùng về thăm bố".
Ồ, hóa ra là điều đơn giản như thế mà em không dám đấu tranh ngay từ đầu. Em hiểu ra giữ gìn gia đình không phải là sự nhẫn nhịn mà là dám đòi sự công bằng. Em đã im lặng hoặc cho qua vì trước khi đi lấy chồng mẹ em dặn nên nhẫn nhịn, những điều gì không quá ảnh hưởng thì cũng nghe lời chồng cho êm ấm cửa nhà.
Mẹ em còn bảo mỗi nhà có những luật lệ khác nhau mình cũng nên theo. Nhưng mà giờ em biết rồi, sau này em sẽ không dạy con gái mình nhẫn nhịn và hy sinh gì nữa. Chẳng phải cứ lúc nào cũng đòi công bằng nhưng nhất định đừng nhẫn nhịn với sự phi lý.
Em nghĩ đàn ông cứng nhưng nếu chạm đúng điểm, đúng gót chân Asin của họ thì họ sẽ mềm như bún. Phải không các chị?".
Bài viết của Xuân Mai nhanh chóng nhận được ý kiến bàn luận rất xôm của hội chị em. Đa phần đều đồng tình rằng nhẫn nhịn, hy sinh là những từ thực sự không cần thiết trong từ điển của phụ nữ thời hiện đại. Nó chỉ đúng trong 1 số trường hợp rất cụ thể nào đó.
Hy sinh cũng được, nhưng phải là sự tự nguyện. Nhẫn nhịn cũng đúng nhưng phải trong hoàn cảnh hợp lý. Tuy nhiên, hãy bớt nghĩ cứ là phụ nữ phải nhẫn nhịn, hy sinh, nếu không muốn cả đời sống trong những sự vô lý từ thế hệ trước truyền lại.
Phụ nữ mạnh mẽ quá, cứng rắn quá cũng không phải tốt nhưng đừng mềm như bún mà tự nhận mình là kẻ thấp hơn để nhún xuống làm hậu phương cho người đàn ông hoặc gìn giữ gia đình theo kiểu giấu đi những sóng gió bằng cách "nuốt" chúng vào trong lòng mình.