Vụ đuối nước thương tâm làm 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bình Dương) thiệt mạng vào trưa ngày 29/12, nguyên nhân thì đã thấy rõ: đó là do sự vô tư, bất cẩn của các em học sinh trong khi tắm biển đã bơi ra khu vực sâu, sóng lớn. Nhưng trong phần lớn các vụ việc đuối nước, thì lỗi lại do sự chủ quan, lơ là trong việc nhắc nhở, giám sát của người lớn.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, do trẻ không được trang bị đầy đủ kiến thức phòng tránh, tự bảo vệ; sự nhận thức không đầy đủ dẫn tới thiếu trách nhiệm của người giám hộ, cha mẹ, thầy cô giáo; do môi trường sống, học tập, sinh hoạt của trẻ thiếu an toàn; do trẻ không được học bơi và các kỹ năng an toàn trong nước…
Nhận thức được tính chất quan trọng của phòng chống đuối nước trong trường học, từ đầu năm 2009, Bộ GD&ĐT đã triển khai Chương trình phối hợp liên ngành về phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh cùng với thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015.
Ngày 21/5/2013, Bộ cũng đã có Công văn số 3341/BGD&ĐT-CTHSSV về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh, sinh viên. Theo đó, các đơn vị giáo dục, trường học trong cả nước đều tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phòng chống đuối nước.
Xem xét trách nhiệm trong vụ 7 học sinh Cần Giờ bị đuối nước, có thể thấy, bên cạnh một số thầy cô giáo còn chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong hướng dẫn học sinh khi tắm biển mà ngay cả các nhân viên cứu hộ biết rõ từ khi công trình thi công kè đá và đào rãnh sâu, nước ở bãi biển xoáy và biến động thất thường nhưng chỉ sau khi tai nạn xảy ra, khi không thể thực hiện cứu hộ được, họ mới cho biết, chứ trước đó không hề có sự quan sát để nhắc nhở kịp thời.
Có thể nói, công tác cứu hộ tại bãi biển là rất chủ quan. Toàn khu vực chỉ có một biển cảnh báo “nguy hiểm” không đủ để ở xa có thể nhìn thấy, chứ không có bất cứ một đài quan sát trên cao nào. Điều đáng nói là ngay sau vụ tai nạn thương tâm, những ngày tiếp theo, vẫn cứ diễn ra cảnh nhiều phụ huynh đưa con em tắm biển tại khu vực này.
Như vậy, trách nhiệm phòng chống tai nạn đuối nước trong học sinh, sinh viên không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn của gia đình và của toàn xã hội.
Những giải pháp về phòng chống đuối nước trong chương trình phối hợp liên ngành đã rất cụ thể, nên chăng cần triển khai tập huấn tới tất cả các CBQL, GV, các bậc phụ huynh học sinh chứ không chỉ một bộ phận chuyên trách trong nhà trường (GV dạy Thể dục, Tổng phụ trách đội, Bí thư Đoàn…).
Ở các địa phương, cũng cần tổ chức chiến dịch phòng chống đuối nước trong dịp hè tới tận các tổ dân phố. Cuối cùng thì không thể không đề cập đến khâu trang bị nghiệp vụ có tính chuyên nghiệp cao cho nhân viên cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nói tóm lại, sự vào cuộc của cả cộng đồng sẽ hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn đuối nước hàng năm.