Nhưng có lẽ, mùa đông mới là mùa chạm khắc vào lòng người nỗi nhớ sâu đậm nhất, chẳng phải chỉ bởi cái lạnh mà còn ở sự kỳ diệu của thiên nhiên, sự ấm áp của lòng người, những phút giây sâu lắng đầy ý vị… Dù chỉ mới chớm đông thôi cũng đủ cho ta nhận thấy rõ gương mặt của mùa để rồi cứ thế khắc khoải nhớ mong!
Chớm đông là khi trời - mây chẳng còn tách bạch, cùng khoác lên màu áo u trầm, tĩnh lặng nặng trĩu nỗi niềm trăn trở, suy tư. Cả bầu trời như ghé xuống thật gần, thì thầm cùng với đất. Chớm đông cũng là khi dòng nước phẳng lặng như tờ chẳng buồn trôi, chỉ muốn chìm trong một giấc ngủ sâu hay lặng thinh như giận hờn không nói.
Chớm đông, chỉ có cơn gió mùa lang thang khắp nẻo gọi về trong lòng người những nỗi nhớ chơi vơi, những khát khao giao cảm cho khỏa lấp cái lạnh giá đầu mùa, cái lạnh lòng của sự trống trải, cô đơn.
Đi trên những con đường đầu đông, mắt ta chẳng thể nào lơ đãng, chân ta chẳng thể nào vô tình lướt qua trước cảnh vật trong thời khắc đông về! Là những con đường quạnh hiu cho ta ngẩn ngơ trông ngóng bóng dáng người thương, thấy cần lắm nhớ lắm đôi bàn tay ấm ấy.
Là những hàng cây gầy guộc như đôi vai ai cần ta chở che, vỗ về. Là những hạt sương đêm còn ủ ê ngủ quên trên vạt cỏ như ánh mắt ai ngấn lệ những khi buồn tủi, giận hờn…
Đông về, cũng là thời khắc những cánh hoa đồng nội nở hoài trong ký ức. Nhớ sao những bông may bạc đầu, dàn dạt trong gió mùa trên đôi bờ đê làng uốn lượn; những cánh hoa khoai lang, hoa rau muống mỏng tang tím biếc, trắng ngần giữa đồng chiều man mác thổi vào lòng người cảm giác nhớ nhà, nhớ quê đến diệu vợi.
Đông về cũng là lúc nỗi nhớ cúc họa mi, hướng dương dâng đầy trong đôi mắt ai giữa chốn làng quê cho đến thị thành; hay niềm khát khao được về với Tây nguyên bạt ngàn nắng gió, nơi sắc hoa dã quỳ đôi bên đường đang ngày đêm chào đón, giục giã bước chân ta trở lại.
Mỗi khi mùa đông gõ cửa là bao kỷ niệm tuổi thơ bên mẹ ùa về. Trời trở lạnh từ cơn mưa phùn gió bấc đầu tiên, mẹ đã rục rịch lôi chiếc rương gỗ ra đựng bao nhiêu là đồ ấm của anh em tôi như một kho báu cần phải giữ gìn cẩn thận. Nào là mũ len, khăn quàng, áo khoác; nào là tất tay, tất chân đủ loại.
Tôi thích nhất là được ngồi bên mẹ xem mẹ đan len. Tay mẹ cứ thoăn thoắt đan, tay tôi thì vân vê những cuộn len đủ màu bắt mắt chẳng khác nào những chú gà con mới nở. Những sáng ngày đầu đông, mới mở mắt ra đã chạy ù xuống bếp chỉ để được ngồi trong lòng mẹ, trong hương lửa rơm thơm thơm ấm nồng.
Với tôi, mỗi khi đông về là cả một trời thương nhớ của tuổi thơ chân đất đầu trần lại hiển hiện vẹn nguyên. Đông đến là lũ trẻ quê nghèo chúng tôi, đứa nào cũng mồm miệng khô khốc, chân tay nứt nẻ, da dẻ mốc meo...
Ấy vậy mà trong khoảng trời quê giá lạnh ngày ấy vẫn không thiếu tiếng trò chuyện râm ran, những điệu cười câu hát mênh mang từ những niềm vui bình dị mà ấm áp, thân tình. Khi thì nướng khoai, nướng bắp; khi thì bắt chuột đồng, tát cá; khi lại cùng tết nùn rơm, đốt lên sưởi ấm cả ngày chẳng hết…
Đông về, mặt trời kéo màn đêm xuống đi ngủ sớm hơn mọi khi. Bởi thế, những đứa trẻ quê nghèo háu ăn háu ngủ như chúng tôi ngày ấy chẳng mong gì hơn là nhanh đến bữa cơm chiều, rồi được phủi chân, leo lên giường đánh một giấc ngủ vùi cho đến sáng.
Bữa cơm quê dù đạm bạc mà đầm ấm, thân thương quá đỗi; cả nhà dù có chung chăn trên một chiếc giường ọp ẹp mà vẫn hạnh phúc vô cùng. Chúng tôi lớn lên trong lạnh giá ngày đông, trong nghèo khó, trong tình thân ấm nồng nên luôn biết trân quý những điều tốt đẹp, những giá trị bình dị mà lâu bền; luôn biết vươn lên trước những khó khăn, thử thách.
Chớm đông, dù chưa lạnh là bao mà sao đã đánh thức lòng ta mãi thao thiết nhớ!