Bà Choi Soon-sil, người làm chao đảo chính trường Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
‘Thiên sứ của Chúa’ che chở
22 tuổi, bà Park mất mẹ trong một vụ ám sát hụt nhằm vào người cha tổng thống của mình. Đó là lúc xuất hiện Choi Tae-min (sinh năm 1912, từng làm cảnh sát thời Nhật chiếm đóng Hàn Quốc), một người đàn ông tự nhận là “thiên sứ của Chúa”, có khả năng liên lạc với thế giới bên kia và hứa hẹn sẽ giúp Park Geun-hye “gọi hồn” người mẹ quá cố của mình.
Tận dụng mối quan hệ với con gái Tổng thống, Choi Tae-min nhanh chóng nâng cao địa vị xã hội và những lợi ích kinh tế của mình.
Năm 1979, cha của bà, Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát, Park càng phụ thuộc hơn về mặt tinh thần vào Choi Tae-min, người mà giờ đây được cô coi như người cha thứ hai.
Một bức điện tín của Đại sứ quán Mỹ tại Seoul gửi về Washington được Wikileaks đưa ra công chúng năm 2007 có đoạn viết: “Khắp nơi đồn đoán về việc ông giáo sĩ quá cố đã kiểm soát hoàn toàn thể chất cũng như linh hồn cô Park trong suốt những năm tháng trưởng thành, và con cái ông ta đã tích lũy được khối tài sản kếch xù nhờ vào mối quan hệ đó”.
Theo truyền thông Hàn Quốc, Choi Tae-min dùng 7 tên khác nhau, 6 lần cưới vợ trước khi qua đời vào năm 1994, thọ 82 tuổi.
Khuynh đảo Phủ Tổng thống
Choi Tae-min qua đời, sự lệ thuộc tinh thần của bà Park chuyển sang con gái của ông là Choi Soon-sil.
Kể từ khi bà Park bước chân trở lại chính trường năm 1997 trong vai trò một nghị sĩ cho tới vai trò tổng thống, cái tên Choi Soon-sil bắt đầu được giới chính trị xì xào như là “cánh tay vô hình” dẫn dắt bà Park Geun-hye.
Tầm ảnh hưởng của bà Choi lớn đến mức, nhiều quan chức trong phủ Tổng thống cũng phải “khúm núm” nhận lệnh của bà Choi. Bà Choi cũng là người nhận được lịch trình các chuyến công du của bà Park sớm hơn cả các trợ lý của bà.
Bà Choi thậm chí còn được cho là có tiếng nói quyết định về việc cựu Tổng thống Park Geun-hye sẽ diện trang phục nào vì bà là người quản lý tủ quần áo của bà Park Geun-hye và cũng là người duy nhất “dám” nói với cựu Tổng thổng rằng bà sẽ mặc màu gì vào ngày nào.
Sự thân thiết giữa bà Choi và bà Park lớn đến mức, khi báo chí Hàn Quốc lần đầu đưa ra thông tin rằng, bà Choi có chỉnh sửa các bài phát biểu của Tổng thống, bà Park Geun-hye đã lên tiếng khẳng định rằng thông tin đó là “vớ vẩn”.
Không chỉ có quyền biên tập các bài diễn văn của cựu Tổng thống Park, bà Choi còn gieo vào đó những ý tưởng độc lạ của mình.
Nghị sĩ đối lập Woo Sang-ho kể lại: “Choi Soon-sil từng tuyên bố Triều Tiên sẽ sụp đổ trong vòng 2 năm. Bà ta là một pháp sư kiêm bói toán. Nếu Tổng thống tin vào lời tiên tri của bà ta và thi hành những chính sách ngoại giao đối với Triều Tiên theo hướng đó thì quả là một vấn đề nghiêm trọng”.
Sụp đổ dây chuyền
Chuyện gì phải đến cũng đến.
Ngày 24/10/2016, Đài truyền hình cáp JTBC của Hàn Quốc công bố một thông tin gây chấn động cả nước, Choi Soon-sil, một người không đảm nhận bất cứ vị trí nào trong chính phủ đã nhận được hơn 200 văn bản trong đó có 44 bài phát biểu và báo cáo khác nhau của Tổng thống.
Ngày 25/10/2016, Một ngày sau, các công tố viên phụ trách điều tra vụ bê bối đã khám nhà riêng của bà Choi Soon-sil, văn phòng của quỹ Mir và K-Sports do bà này nắm quyền điều hành để thu thập chứng cứ. Tổng thống Park Geun-hye sau đó đã phải chính thức xin lỗi người dân.
Ngày 26/10/2016, nhật báo JoongAng Ilbo đăng tải thông tin cho biết, các dữ liệu được phân tích trong máy tính của bà Choi Soon-sil cho thấy, bà này không chỉ đơn thuần sửa các bài phát biểu của Tổng thống Park mà còn tiếp xúc với các văn kiện bí mật của quốc gia.
Tờ báo này cũng cho biết, bề ngoài Choi Soon-sil không có mối liên quan trực tiếp với hai quỹ trên nhưng bà đã sắp xếp người thân nắm giữ các chức vụ quan trọng ở 2 quỹ này, đồng thời thông qua nhiều công ty ở Đức và Hàn Quốc để tham ô.
Ngày 3/11/2016, Tòa án Quận Trung tâm Seoul đã chính thức công bố lệnh bắt giữ sau khi thẩm vấn bà Choi Soon-sil trước sự chứng kiến của các công tố viên và luật sư của bà. Các công tố viên buộc tội bà Choi lạm dụng quyền lực và ép buộc người khác. Bà Park thì bị coi là người đồng lõa khi cho phép Choi gây sức ép buộc các chaebol (tập đoàn gia đình) góp hàng triệu USD cho các quỹ phi lợi nhuận của bà ta.
Ngày 20/11/2016, theo kết quả điều tra sơ bộ được các công tố viên Hàn Quốc đưa ra, bà Park bị tình nghi có vai trò "đáng kể" trong vụ bê bối tham nhũng và lạm quyền liên quan đến người bạn thân và các trợ lý chủ chốt.
Ngày 29/11/2016, dưới áp lực ngày càng tăng về việc từ chức, Park Geun-hye đã đưa ra lời xin lỗi công khai lần thứ ba, với đề xuất sẵn sàng từ chức nếu Quốc hội sắp xếp một sự chuyển giao quyền lực ổn định.
Ngày 9/12/2016, Quốc hội thông qua dự thảo luận tội Park Geun-hye và đệ trình lên Tòa án Hiến pháp để xem xét. Thủ tướng Hwang Kyo-ahn tạm đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống cho đến khi có quyết định của tòa án.
Ngày 3/1/2017, Phiên tòa phúc thẩm đầu tiên của tòa được tổ chức, nhưng Tổng thống Park không xuất hiện.
Ngày 31/1/2017, sau 9 phiên điều trần, Chánh án Park Han-chul đã nghỉ hưu và thẩm phán Lee Jung-mi trở thành chủ tọa.
Ngày 26/2/2017, Tổng thống Park, người không có mặt tại phiên điều trần trước đó khẳng định bà sẽ không tham dự buổi điều trần cuối cùng vào ngày 27/2.
Ngày 28/2/2017, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp bắt đầu thời gian thảo luận cuối cùng kéo dài trong 2 tuần.
Ngày 6/3/2017, Công tố viên độc lập Park Young-soo cáo buộc Tổng thống và người bạn thân Choi Soon-sil tham gia vụ bê bối tham nhũng.
Ngày 10/3/2017, Tòa án Hiến pháp quyết định luận tội Tổng thống Park Geun-hye.
Ngày 27/3/2017, Nhóm công tố đặc biệt đã gửi đề nghị lên Tòa án quận trung tâm Seoul xin lệnh bắt giữ bà, viện dẫn tính chất nghiêm trọng của các tội danh và khả năng tiêu hủy chứng cứ.
Ngày 30/3/2017, sau buổi thẩm vấn kéo dài, Tòa án quận trung tâm Seoul đã phê chuẩn lệnh bắt giữ bà Park với một loạt cáo buộc như hối lộ, lạm quyền và tiết lộ bí mật của chính phủ.
Sáng sớm ngày 31/3/2017, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị bắt giữ.