(GD&TĐ)-Qua lời kể của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân -Trung tướng Phạm Tuân, hàng trăm học sinh phổ thông đã được sống trong không khí hào hùng của chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Hình thức giáo dục lịch sử ý thiết thực và bổ ích này được thực hiện thông qua Chương trình giao lưu “Ký ức Hà Nội 12 ngày đêm” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trường THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức chiều nay (16/12) tại Hà Nội.
-> Toàn cảnh diễn biến 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" 1972
-> Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện “đánh” B.52
Trung tướng Phạm Tuân, nhà sử học Dương Trung Quốc tại buổi giao lưu. Ảnh: gdtd.vn |
Ngoài Trung tướng Phạm Tuân, tham gia buổi giao lưu, đông đảo công chúng thủ đô, đặc biệt là các em học sinh còn được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS. Đỗ Doãn Đại - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thời kỳ 1969 – 1972; Đại tá, Nhà báo Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không Không quân. Họ là những nhân chứng lịch sử đã từng chứng kiến, tham gia chiến đấu và nghiên cứu về sự kiện lịch sử 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.
Ngày 17/12/1972, tổng thống Mỹ Ních-Xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch “Lai nơ bếch cơ II”. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần/chiếc B.52 và 3.920 lần/ chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và khu vực lân cận hơn 100 ngàn tấn bom, đạn. Riêng ở Hà Nội, chúng đã sử dụng 441 lần/chiếc B.52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật ném hơn 10 ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, giết hại hàng ngàn người.
Ngay từ khi hàng dàn “Siêu pháo đài bay” của đế quốc Mỹ ầm ầm lao tới Hà Nội, cả thế giới hướng về Hà Nội, lo cho số phận của Việt Nam. Nhưng quân và dân ta đã trả lời bằng chiến thắng lừng lẫy bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4CE và các loại khác. Riêng Hà Nội bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B52, 2 chiếc F111 và một số máy bay khác.
Chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta cuối năm 1972 đã buộc Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Tại buổi giao lưu, ý nghĩa của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” một lần nữa được các nhân chức lịch sử khẳng định, đó là là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn của quân và dân Việt Nam.
Sau cuộc giao lưu ý nghĩa này, thế hệ trẻ hiểu thêm về quá khứ hào hùng cũng như tầm vóc to lớn của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta cuối tháng 12/1972, qua đó góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, giữ gìn và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ trẻ.
Hải Bình