Chìa khóa từ 'trường đời'

GD&TĐ - Nhiều người nói rằng, trẻ em bây giờ rất thông minh, nắm bắt và thích nghi rất nhanh với cái mới; nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Kể cũng đúng, bởi công nghệ thông tin là thời đại mà giới trẻ đang sống, đang được hưởng thụ thành quả với những bước tiến lớn. Trẻ em bây giờ cũng được học hành bài bản hơn, nhiều hơn, trong đó có việc tiếp cận sớm với ngoại ngữ, đó chính là chìa khóa mở ra cánh cửa của tri thức nhân loại. Nhưng nếu so sánh trẻ con bây giờ thông minh hơn trẻ con ngày xưa thì e rằng chưa được chính xác cho lắm?

Tôi có một người em họ, sinh ra và lớn lên ở nông thôn, trình độ học vấn chưa hết lớp 5, nhưng bây giờ, cậu ấy là một doanh nhân thành đạt. Mọi người đừng nghĩ với một người không được học hành như cậu ấy thì chỉ là mẫu của một doanh nhân làm ăn chụp giật. Không phải! Cậu ấy là giám đốc của một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.

Để sản phẩm tiếp cận được hai thị trường khó tính này, ngoài sự minh bạch về quản trị, còn yêu cầu khắt khe về sản phẩm và thân thiện với môi trường. Nói chuyện nghề với cậu ta, có lẽ, những kĩ sư về tự động hóa cũng phải nể phục về sự ham học hỏi và trình độ chuyên môn của vị doanh nhân này.

Một ngày Chủ nhật, ngồi cà phê hàn huyên với người em họ ấy, tôi bày tỏ sự khâm phục và khen cậu ta không được học hành bài bản mà rất sáng dạ, thông minh. Cậu em cười mà nói rằng: “Em trả giá nhiều mới khôn lên được. Cuộc sống này, ngôi trường dạy em nhiều nhất chính là “trường đời” anh ạ”...

Là người trong nhà, nên tôi hiểu điều mà cậu ấy muốn nói. Nhà nghèo, đông anh em, bố mẹ không có điều kiện lo ăn học cho cậu em tôi, nên phải thả cậu ấy ra ngoài xã hội, tự bươn chải kiếm sống. Cậu em tôi nói vui: “Thế hệ anh em mình là gà nuôi thả, sống trong môi trường tự nhiên nên phải tự sinh tồn mà sống. Còn thế hệ bây giờ là “gà công nghiệp”, trẻ con nhà nào cũng được cưng chiều, cứ béo tròn phúng phính như “em chã” đến lo cho bản thân còn không nổi”...

Ý cậu em tôi là, trong nhiều gia đình ở thành phố hiện nay, luôn quan niệm con cái không bao giờ lớn và luôn muốn bao bọc, chăm bẵm chúng từ những việc nhỏ nhất. Trẻ nhỏ đi học gần nhà cũng phải đèo đến tận trường vì sợ thiếu an toàn; lớn lên, đã là sinh viên đại học, nhưng khi đi chơi với ai cũng phải hỏi han kĩ về gia cảnh; chúng dắt xe ra cửa đã giao hẹn giờ về, nếu muộn là bị mắng, bị phạt! Đến bữa ăn sáng cũng phải chuẩn bị trước, rồi gọi con dậy nhồi nhét phải ăn cho hết trước khi đi học...

Nuôi như vậy thì đứa trẻ sẽ trở thành cái máy học, máy ăn, máy vâng lời mà mất đi khả năng độc lập, tự quyết, tự chăm lo đến bản thân mình. Cũng như con gà, nếu thả rông tự kiếm ăn, thì gà vừa tinh nhanh, thịt thơm ngon săn chắc hơn gà nuôi nhốt, bởi chúng được vận động, được sinh tồn. “Thịt” mà cậu em tôi muốn ví von, chính là kết quả trưởng thành của con cái, nếu chúng ta tự tin “thả rông” chúng.

Tranh minh họa: ITN

Tranh minh họa: ITN

“Thả rông” để “trường đời” dạy dỗ, chúng sẽ có vốn sống, gặp những va vấp ngoài xã hội, chúng tự điều chỉnh để ứng xử phù hợp... Bằng cách giáo dục như vậy, cậu em tôi đã hướng cho hai con trai của mình có lối sống tự lập ngay từ bé. Nhà có điều kiện, nhưng cả hai tự bươn chải tìm việc làm riêng ngoài xã hội, cho dù có vất vả, thu nhập kém hơn nhiều nếu làm cho doanh nghiệp của gia đình.

Điều cậu em họ tôi tâm sự, xét một cách tổng thể là đúng, nhưng để “thả rông” con thì không phải ai cũng dám làm và mức độ “thả” là khác nhau tùy theo quan điểm nuôi dạy con cái và tâm tính của con em mình. Nguyên nhân bởi hai lẽ: Thứ nhất, cuộc sống đủ đầy khiến mọi người có điều kiện hơn trong quan tâm dạy dỗ con cái; họ thể hiện sự “yêu thương” và “quan tâm” tới con, nhưng có trường hợp đã vô tình bao bọc con thái quá.

Thứ hai, xã hội bây giờ có nhiều cám dỗ; môi trường sống bên cạnh mặt tích cực cũng ẩn chứa nguy cơ thiếu an toàn. Ngày trước, nếu trẻ nghịch ngợm thì cũng ít khi vướng vào tệ nạn xã hội. Nhưng nay, tình trạng ma túy xâm nhập học đường; rồi mặt trái của mạng xã hội; an ninh, an toàn, nhất là đường sá luôn đông đúc gây những lo lắng cho phụ huynh.

Nhớ lại cái thời trẻ con của chúng tôi với cách sinh hoạt của lớp trẻ bây giờ, thấy khác nhau nhiều lắm. Nhiều trẻ con bây giờ, chỉ tranh thủ lúc rảnh là lao vào chơi điện tử. Thời gian cả ngày của chúng dành cho việc học chính khóa, học thêm nên giao tiếp bạn bè cũng hạn chế, việc giao lưu với bạn cùng xóm, phố thì hãn hữu, có khi gần nhà nhau mà cũng chẳng biết tên nhau, nếu không học chung lớp, chung trường.

Còn trẻ con thời của chúng tôi đa số đều được “thả rông”; mỗi buổi đi học về ngoài việc giúp bố mẹ làm việc nhà là í ới, rủ các bạn cùng lớp, cùng xóm phố chơi những trò chơi vận động leo trèo, bơi lội hoặc tự làm ra đồ chơi cho bản thân. Chính từ khả năng tự làm trò chơi, tự khám phá thực tế bằng đôi bàn tay của mình đã sản sinh ra một thế hệ dù không được học hành cơ bản, nhưng lại có khả năng mày mò, sáng tạo như cậu em họ tôi và nhiều “kĩ sư chân đất” mà các phương tiện thông tin đại chúng đã giới thiệu. Dĩ nhiên, bây giờ cũng có những bạn trẻ rất giỏi, đã sáng chế, chế tạo được một số máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ cao...

Sẽ chẳng có một công thức chung nào trong việc giáo dục con cái. Đối với những đứa trẻ nhút nhát như “gà công nghiệp” thay vì bao bọc, chúng ta nên cố gắng để các con được giao tiếp nhiều với xã hội, hãy sử dụng “bàn tay vô hình” để nâng đỡ và quan sát chúng từ xa. Sự vấp ngã cũng cần thiết cho cuộc sống của chúng sau này. Nhưng với những đứa trẻ có cá tính, như “con ngựa bất kham” thì cha mẹ cũng cần thiết phải khéo léo “kìm cương”, không để chúng tự do, phóng khoáng, sa vào mặt trái của xã hội...

Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, một cơn gió mới mang tên “Chat GPT” đang tràn về, bên cạnh mặt tích cực, cũng có những lo lắng, sợ rằng trí tuệ của người trẻ sẽ là “bản sao” của trí tuệ nhân tạo. Nhưng suy cho cùng, trí tuệ nhân tạo cũng từ con người mà ra và cuộc sống này, bên cạnh tri thức từ sách vở còn rất cần thực tiễn, như cách mà chúng ta vẫn nói: “Học phải đi đôi với hành”. Dù có được sự hỗ trợ của “trí tuệ mạng”, của máy móc tinh xảo thì có những công việc vẫn luôn cần bàn tay lao động của con người. Vì vậy, cần hướng dẫn, khuyến khích động viên con trẻ tham gia lao động, vì chính từ lao động, trẻ mới có kĩ năng sống và biết tìm tòi, khám phá từ những công việc giản đơn trong sinh hoạt gia đình, sinh hoạt bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ