Chen chúc bể bơi mùa hè

Chen chúc bể bơi mùa hè

(GD&TĐ) - Từ hơn một tháng nay, thời tiết nắng nóng kéo dài và cũng là dịp nghỉ hè của học sinh khiến cho lượng khách đến bể bơi tăng vọt. Dịp cuối tuần, lượng khách có thể tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường. Vào giờ cao - điểm, từ 18 - 20 giờ, khách đổ dồn về quá đông nên các bể bơi thường trong tình trạng quá tải.

b
Công viên nước Hồ Tây trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Hải Phong

Càng nóng… càng đông!

Anh Hà, nhân viên cứu hộ tại bể bơi Vĩnh Tuy (Hà Nội) cho biết: Bể bơi mở cửa từ 5 giờ 30 đến 21 giờ nhưng giờ nào cũng có người vào bơi. Đông nhất là vào tầm 16 - 19 giờ. Người lớn, trẻ con ào ào xuống bể tránh nóng, chưa kể phụ huynh trông con em mình cũng đứng tràn xung quanh bể khiến các nhân viên cứu hộ tại bể làm việc rất vất vả. Để tiết kiệm chi phí, nhiều bậc phụ huynh cũng chuyển sang mua vé tháng với giá dao động từ 700.000 - 1,2 triệu đồng/tháng.

Không chỉ có vậy, các dịch vụ cho thuê đồ bơi như kính, mũ, phao, quần áo, đồ ăn nhanh tại các bể bơi cũng được dịp... ăn theo. Theo khảo sát sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 50 bể bơi trong nhà và ngoài trời. Trung bình mỗi ngày, mỗi bể bơi ở Hà Nội có khoảng 200 - 300 khách, thường tập trung vào thời gian cao điểm nên khó tránh quá tải. Giá vé thông thường theo chất lượng và dịch vụ của mỗi bể bơi. Bể bơi Thụy Khuê, có giá vé tới 160.000 đồng/lượt/người lớn và 70.000 đồng/lượt/trẻ em, tuy nhiên bể bơi này có diện tích khá rộng (gần 600m2), nước khá trong xanh, không có mùi khử trùng clo. Ngoài bơi, còn có các dịch vụ spa, yoga, mát xa, xông hơi. Khu vui chơi và tập bơi dành cho các em nhỏ được thiết kế đặc biệt, nước nông, ở khu vực dễ quan sát. Còn giá vé vào cửa tại một số bể bơi bình dân tại các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng… thường dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/vé, bể ngoài trời, trẻ em từ 20.000 - 35.000 đồng/vé.

Bơi lội, được biết đến là một hình thức vui chơi giải trí, thu hút đông đảo lượng người tham gia, đây đồng thời cũng là môn học ngoại khóa vô cùng cần thiết đối với trẻ em. Đặc biệt ở nước ta khi tỷ lệ trẻ em bị tai nạn đuối nước còn rất cao thì nhu cầu học bơi lại càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên với hiện trạng kể trên, thì để tìm được bể bơi sạch sẽ, an toàn, chi phí hợp lý là điều không dễ dàng.

Dễ nhiễm bệnh

Đã có rất nhiều cảnh báo từ các phương tiện thông tin đại chúng, ngành y tế về tình trạng ô nhiễm ở các bể bơi. Hầu hết các bể bơi đều chứa chất làm sạch, chất tiệt trùng… Những chất này cùng với sự ô nhiễm của bể do có quá nhiều người, khiến bể bơi đang trở thành môi trường dễ gây nhiều loại bệnh như ngoài da, tiêu hóa, hô hấp, thậm chí cả bệnh đường sinh dục, tiết niệu. Nước bể bơi dù thường xuyên được thay rửa, tiệt trùng nhưng vẫn rất bẩn bởi chính những người tới bơi mang theo vi khuẩn xuống bể. Chưa kể, một số người còn “hồn nhiên” khạc nhổ, xì mũi… Ngoài ra, không ai kiểm soát được những người đến bơi có mắc các bệnh truyền nhiễm không. Trong bể bơi cũng chứa nhiều loại hóa chất như kem dưỡng da, chống nắng (do chị em đi bơi thường bôi lên da) cộng thêm hóa chất clo khử khuẩn trong bể bơi. Các hóa chất ấy có thể gây sạm da, dị ứng da, thậm chí gây chứng khô mắt, đỏ mắt...

Chú ý phòng tránh

Để giảm thiểu những nguy cơ gây bệnh từ bể bơi, các bác sĩ khuyến cáo nên đi bơi vào khoảng thời gian từ 5 - 7 giờ sáng, vừa thích hợp với cơ thể con người, lại chưa có nhiều người bơi nên nước sạch. Thời điểm 17 - 19h trời mát, tránh được nắng, nhưng cuối ngày nước bơi khó có thể sạch. Nên đeo kính bơi, mũ bơi để bảo vệ tóc và mắt. Sau khi bơi, làm sạch mắt, mũi bằng nước muối sinh lý Natriclorid. Súc miệng bằng nước sạch ngay khi lên bờ vì hóa chất trong nước bể bơi lỡ uống phải dễ hủy hoại men răng. Cần chú ý bảo vệ mắt nhất là từ tháng 6 - 8 là cao điểm của dịch đau mắt đỏ. Nếu thấy mắt, tai có triệu chứng bất thường cần đi khám ngay… Vệ sinh da sạch bằng xà phòng, sữa tắm có độ kiềm cao để tránh bệnh da liễu.

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ