Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell trong một tuyên bố mới đây đã thừa nhận một sự thật chua chát rằng, với việc giảm dùng năng lượng của Nga, châu Âu đã phải trả một giá đắt.
Phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh địa chính trị do Tạp chí Le Grand Continent tổ chức, ông Borrell cho hay, với việc loại bỏ năng lượng của Nga, EU có thể chỉ đơn giản là đánh đổi sự phụ thuộc này bằng một sự phụ thuộc khác.
Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, năng lượng của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của khối EU.
Sau đó, châu Âu đã định hướng loại bỏ việc sử dụng năng lượng của Nga như một phản ứng ủng hộ Ukraine.
Tuy nhiên, "việc giảm đáng kể sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow, điều này dường như là không thể”, ông Borrell nhận định. Ông thừa nhận khối đã phải trả giá đắt cho chính sách năng lượng của mình.
“Giá cả tăng lên, lãi suất cũng vậy. Nền kinh tế bị ảnh hưởng. Chúng ta đã phải trả một cái giá chính trị, chúng ta đã mua rất nhiều xăng dầu, trên toàn thế giới, chúng ta phải mua với giá cao hơn mà những người khác không thể trả được.
Có thể chúng ta chỉ thay đổi một phần phụ thuộc này bằng một phần phụ thuộc khác" - nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu nhận định.
Dẫu vậy, ông Borrell khẳng định đang đi đúng định hướng của EU là "giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga”.
Vào tháng 3 năm 2022, EU đã công bố kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga “trước năm 2030” bằng cách tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ và tìm kiếm các nguồn năng lượng khác.
Các quan chức Nga nhiều lần tuyên bố rằng EU chưa bao giờ có thể đạt được sự độc lập về năng lượng thực sự.
Thay vì sử dụng khí đốt giá rẻ và tinh khiết của Nga thì EU đã lựa chọn mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ với mức giá cao hơn rất nhiều cũng như sự gián đoạn trong vận chuyển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hồi tháng 1 đã nói rằng, "EU hiện hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ vì khối này đã mất quyền tự do lựa chọn. Đây là sự phụ thuộc thực sự và là điều mà Washington đã nhắm tới.”