Chất lượng ngành Giáo dục Thanh Hóa nằm trong tốp đầu cả nước

GD&TĐ - Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Thanh Hóa nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn và đang dần tự khẳng định mình.

PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục (GD) tỉnh Thanh Hóa đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa về vấn đề này.

PV: Thưa ông! Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Vậy, ông có thể chia sẻ điều này?

PGS.TS Trần Văn Thức: Năm học 2023-2024, thực hiện chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập”, ngành Giáo dục (GD) Thanh Hóa mặc dù còn những khó khăn, tồn tại nhưng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học với những kết quả nổi bật như sau:

Ngành GD đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT, của tỉnh về chương trình, kế hoạch năm học 2023-2024. Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, đề án quan trọng về phát triển GD&ĐT.

Chất lượng GD đã từng bước được nâng lên ở cả GD đại trà và GD mũi nhọn. Trong đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thanh Hóa xếp thứ 18 trong tốp các tỉnh có điểm thi cao nhất (vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 giao là trong tốp 20). Là tỉnh có điểm 10 nhiều nhất toàn quốc và có 2 học sinh (HS) đạt thủ khoa toàn quốc khối C00, A08.

Trong kỳ thi HS giỏi quốc gia các môn văn hóa, có 84/90 HS dự thi đoạt giải (đạt tỉ lệ 93% - cao nhất cả nước; tăng 23 giải so với năm học 2022-2023), gồm: 9 giải Nhất (tăng 6 giải so với năm trước), 22 giải Nhì (tăng 7 giải), 23 giải Ba (tăng 1 giải), 30 giải Khuyến khích (tăng 9 giải).

Tại các kỳ thi quốc tế, khu vực, có 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á; 1 Huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế; 1 Huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev.

Tại Cuộc thi “Đường lên đỉnh OLYMPIA”, lần đầu tiên sau 8 lần vào chung kết, có 1 HS đoạt giải quán quân, góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học người xứ Thanh.

nha-vo-dich-4-9553-6607.jpg
Lê Xuân Mạnh - (Quán quân Olympia năm 2023) trong vòng tay của thầy cô và bạn bè Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Trong năm học vừa qua, ngành GD Thanh Hóa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 38 Nhà giáo, cũng là năm có nhiều nhà giáo được phong tặng danh hiệu cao quý nhất từ trước tới nay. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh và trân trọng những cống hiến, đóng góp của các nhà giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

Ngành GD Thanh Hóa đã tích cực triển khai đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GD và đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Thanh Hóa có 1.690/1.981 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 85,31%); dự kiến đến hết năm 2024, sẽ hoàn thành chỉ tiêu 86,67% theo kế hoạch của UBND tỉnh đặt ra.

PV: Tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, cấp học trong tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang diễn ra và khá trầm trọng. Vậy ngành GD đã có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Thức: Thời gian qua, ngành GD Thanh Hóa đã tích cực trong việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (GV) các cấp học trong tỉnh, cụ thể như sau:

Năm 2024, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương giao bổ sung 2.654 biên chế sự nghiệp GD cho tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao 3.840 chỉ tiêu lao động hợp đồng (LĐHĐ) làm GV theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.

Dự kiến năm 2025, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục giao 6.507 chỉ tiêu LĐHĐ làm GV theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, tương ứng với 50% số lượng còn thiếu giữa số UBND tỉnh giao và số lượng theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT.

Với tổng số 6.494 chỉ tiêu biên chế và LĐHĐ làm GV được giao bổ sung năm 2024, Sở GD&ĐT; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực thực hiện tuyển dụng GV, xét tuyển LĐHĐ làm GV. Từ đầu năm 2024 đến nay đã tuyển dụng, xét tuyển thêm được 3.351 GV.

Việc UBND tỉnh giao bổ sung 6.494 chỉ tiêu biên chế và LĐHĐ làm GV năm 2024 đã giúp ngành GD Thanh Hóa từng bước giải quyết căn bản vấn đề thiếu GV trong thời gian qua.

Bên cạnh tích cực tuyển dụng, xét tuyển GV, ngành GD Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp khác nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu GV. Tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

e6395ffc807639286067-2012.jpg
Cô giáo và học trò trong ngày tựu trường năm học mới 2024-2025.

Trong đó, thực hiện các giải pháp tổng thể, như: tạo nguồn giáo sinh để sử dụng, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV nhằm đáp ứng triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh (HS) đảm bảo theo đúng quy định, giảm thiểu số điểm trường, nhóm, lớp nhỏ lẻ. Linh hoạt bố trí GV dạy liên trường, liên cấp, dạy tăng tiết; biệt phái GV từ trường thừa đến trường thiếu thuộc thẩm quyền.

Thực hiện rà soát số GV có trình độ cao đẳng trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tuyển dụng GV có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.

Các giải pháp nêu trên đã, đang được triển khai đồng bộ. Với sự quyết tâm của toàn ngành, hy vọng tình trạng thiếu GV sẽ sớm được khắc phục.

PV: Chuyển đổi số trong GD có thể hiểu là chuyển đổi các hoạt động giáo dục và quy trình khác liên quan từ hình thức truyền thống sang việc áp dụng công nghệ số. Vậy, xin ông cho biết thực trạng chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang diễn ra như thế nào?

PGS.TS Trần Văn Thức: Ngày 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT về Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở GDPT và GDTX. Đây là bộ chỉ số chi tiết để các cơ sở giáo dục (CSGD) bám sát các chỉ tiêu, chỉ số chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đáp ứng Chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT.

Trước tình hình đó, thực hiện các Nghị quyết, Kế hoạch chuyển đổi số của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã rà soát thực trạng, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số thành các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn triển khai đến các CSGD trên địa bàn. Trong năm học 2023 – 2024, công tác chuyển đổi số của ngành đã triển khai trên các nội dung, như sau:

Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT đến các CSGD trong tỉnh phục vụ thu thập, quản lý, khai thác các thông tin (trường, lớp, nhân sự, học sinh, cơ sở vật chất,…).

Đặc biệt, ngành GD Thanh Hóa đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông (VNPT, Viettel) tích cực triển khai sổ sách điện tử trong các nhà trường. Cấp Tiểu học đang triển khai học bạ số từ năm học 2023-2024; các cấp học khác sẽ triển khai từ năm học 2025 – 2026 khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT.

Đến nay, đã có 100% cán bộ công chức cơ quan Sở, cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) các đơn vị trực thuộc Sở có tài khoản E-mail công vụ, chữ ký số để sử dụng hệ thống phần mềm Quản lý văn bản, hồ sơ công việc (TDofice) của tỉnh.

Hiện nay, 100% CSGD đã có tài khoản nhà trường tại các ngân hàng trên địa bàn (Agribank, BIDV, Vietinbank,…) để thực hiện tiếp nhận các khoản thanh toán không dùng tiền mặt của phụ huynh HS.

Đối với dịch vụ công thiết yếu, đã có 100% HS đang học lớp 12 tại các trường THPT, THPT nhiều cấp học, Trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng có giảng dạy chương trình GDTX hoàn thành cập nhật thông tin cá nhân, kết quả học tập đúng thời hạn quy định; đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

ky-ket-6093jpg-9481-2882.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Bộ Thông tin Truyền thông chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa với Công ty Cổ phần Misa.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số của ngành GD Thanh Hóa cũng đang gặp khó khăn nhất định, đó là: Cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị CNTT hạn chế; Kinh phí dành cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các CSGD còn khó khăn; Việc triển khai phần mềm, ứng dụng không có bản quyền còn quá phổ biến, nên dễ gây nguy cơ mất an toàn thông tin…

Xác định những hạn chế, khó khăn của chuyển đổi số trong GD, trong thời gian tới, ngành GD Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Các nhiệm vụ cụ thể là: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong GD&ĐT đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD, nhân viên, người học trong ngành GD và xã hội.

Tiếp tục tăng cường, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT; Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về CNTT để hỗ trợ ngành GD trong triển khai sổ sách, học bạ điện tử các cấp học; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD, nhân viên và người học bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số...

PV: Năm học 2024-2025 đã bắt đầu, Sở GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều trường học xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học, gây dư luận xấu. Vậy, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa có giải pháp gì để ngăn chặn triệt để tình trạng “lạm thu” trong các trường học?

PGS.TS Trần Văn Thức: Để thực hiện đảm bảo theo quy định việc thực hiện các khoản thu trong trường học, trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các CSGD công lập, năm học 2024-2025; hướng dẫn, chỉ đạo các CSGD thực hiện các khoản thu. Tuy nhiên, vẫn có dư luận về việc “lạm thu” ở một số trường học.

z4901977077692-12062a689dc15a0b16c526ccbe4b493a-9539-9583.jpg
Thầy giáo và học trò Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ học môn Tin học.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng “lạm thu”, Sở GDĐT thực hiện các giải pháp, như: Yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan có thẩm quyền các khoản thu, mức thu,… trước khi triển khai thực hiện. Có văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện các khoản thu xã hội hóa trong trường học của cơ quan có thẩm quyền trước khi thực hiện. Công khai minh bạch các khoản thu của nhà trường đến học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội trước khi thực hiện.

Chủ động, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu trong các CSGD. Kịp thời nắm bắt thông tin, xác minh xử lý nghiêm (nếu có) các trường học, người đứng đầu nhà trường thực hiện không đảm bảo quy trình, thực hiện các khoản thu không đúng quy định. Công khai rộng rãi kết quả xử lý trường học, người đứng đầu trường học nếu để xảy ra tình trạng “lạm thu”.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.