Những món quà thân thương ấm cúng
Trong những ngày này, khi mà Tết Bính Thân đang đến gần, đi đến đâu cũng nghe nhiều bạn trẻ, nhất là công nhân nói chuyện về quê ăn Tết. Đông nhất là những khu chợ đêm công nhân (CN) hay những góc ngã tư đường. Quần áo may sẵn, áo lạnh, đồ chơi trẻ em là những thứ được bày bán nhiều nhất. Sau giờ tan ca, các bạn trẻ tranh thủ ghé đến những điểm trên để mua đồ làm quà và họ cũng rất... nhạy với thông tin ở đâu có bán hàng rẻ, đẹp để tìm đến.
Nguyễn Thị Thắm, CN khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) quê ở Ninh Thuận cho biết: “Mấy hôm nay công ty em tăng ca đến gần 8 giờ tối mới về. Cuối năm tăng ca ai cũng thích vì sẽ có thêm một khoản tiền dùng mua quà về tặng người thân. Sau khi tan ca, em đi tìm mấy món ưng ý để mua gửi về biếu gia đình...”.
Đang bày bán áo ấm, chăn ở một sạp chợ Bắc Ninh (Thủ Đức), chị Lan - chủ sạp cho biết: “Nghe nói ở quê miền Trung, miền Bắc lạnh lắm nên món quà quý mà CN mang về trong dịp tết này là chăn mền. Tôi tranh thủ trữ hàng từ mấy tuần nay, và dạo này chăn và áo ấm là mặt hàng bán chạy nhất”. CN thường ghé mua hàng... bình dân ở những cửa hàng bên đường hay hàng bán hạ giá khu vực gần chợ, bến xe, cổng công ty. Từ vài chục ngàn cho đến gần 200.000 là đã có một cái áo khá đẹp, dày nên nhiều CN lui tới những khu vực này để chọn mua.
Cầm lên đặt xuống chiếc áo ấm tại khu vực trước công ty, chị Nguyễn Thị Lan - Công ty may An Phú Châu (Q.9) tâm sự: “Năm ngoái em về rồi nên năm nay ở lại, dành tiền mua mấy chiếc áo gió làm quà cho mấy đứa em ở Nghệ An”.
Còn Nguyễn Thị Hoa, một nữ CN làm cho một công ty bao bì Thủ Đức (quê Bình Thuận) tranh thủ sau giờ tan ca đi mua quà về đóng thùng carton giấy rồi dán băng keo kỹ càng để mai nhờ xe gửi về quê cho gia đình. Thùng quà của cô chỉ là mấy gói trà, cà phê pha sẵn cho ba.
Chiếc áo len và khăn quàng cổ cho mẹ cùng thêm mấy đôi dép mới cho em. Vậy mà nhìn vào mắt cô, tôi cảm nhận được một không khí rất vui như thể cả một mùa xuân đang về. Và những dịp đi chợ cuối năm này thường được coi là “xả hàng” với CN. Cuối năm, dù có tằn tiện đến mức nào cũng phải “bung két” mua đồ gửi về quê làm quà, coi như món quà cho gia đình trong một năm.
Tất bật mưu sinh những ngày giáp Tết
Những ngày này, đi qua các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn thấy rất nhiều phòng trọ CN còn người ở lại. Tất cả đều có chung tâm trạng nhớ nhà và cô đơn khi phải ăn Tết nơi đất khách. Nhưng họ vẫn phải ở lại vì rất nhiều lý do nhưng không đủ tiền về vẫn là lý do quan trọng nhất.
Có người mới ăn Tết ở miền Nam năm đầu tiên, nhưng cũng có người đã ăn Tết xa nhà cả 4 - 5 lần. Với CN xa nhà, cho dù năm đầu hay đã 4 - 5 năm thì cảm giác nhớ nhà và lạc lõng khi phải ăn Tết xa gia đình đều như nhau. Trong những ngày giáp Tết này, ở những quán cafe, quán ăn thường xuyên bắt gặp những hình ảnh của các bạn trẻ nhẫn nại mưu sinh, chắt chiu từng đồng tiền quý.
Hằng quê ở Diễn Châu, điều kiện gia đình khó khăn nên vào đây làm nghề bán hàng rong kiếm tiền phụ gia đình hơn một tháng nay. Lủng lẳng rổ chất đầy hàng trước ngực chào mời hết các bàn trong một quán cafe nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Em tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, cuốc bộ hết quán sá, nhà hàng chào mời khắp nơi từ sáng đến tối thế nhưng chỉ bán được trên dưới 100.000 đồng. Vì bản thân, vì gia đình nên em phải chấp nhận vất vả”.
Càng cận Tết, bước chân của những người lao động nghèo dường như càng trở nên hối hả hơn. Đi từ sáng sớm đến chiều, đôi chân của cô Trần Thị Sớm, ở khu chợ Phước Long B, quận 9 (TPHCM) đã mỏi nhừ, nhưng cô vẫn rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của phường để cố bán cho hết gánh tàu hũ.
Cô cho biết, chồng cô mất sớm vì bệnh tật, một mình cô phải cố gắng xoay xở để nuôi hai con ăn học. Nghề nghiệp không có, vốn liếng cũng không, kể từ ngày cả gia đình cô chuyển từ Quảng Nam vào đây cũng đã gần 10 năm, cũng từng ấy thời gian cô gánh trên vai gánh tàu hũ đi bán khắp phường.
“Những ngày bình thường, hôm nào may mắn tôi cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng, ngày ít chỉ được vài chục ngàn. Trong khi đó, thời điểm giáp Tết, mỗi ngày tôi có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng. Hôm nào gặp nhiều người cho đồ chứ không bán thì thu nhập khá hơn. Những ngày này cánh ve chai chúng tôi ai nấy đều tranh thủ làm việc cả ngày để kiếm thêm tiền lo Tết, có năm đến 29 - 30 tháng Chạp mới về nhà” - Cô Sớm thổ lộ.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, ngụ ở KP3, Phước Long B (Q.9) vừa chở thuê chậu mai cho một người khách từ vườn mai Thủ Đức về nhà ở đường Lê Văn Việt (Q.9), đang nghỉ ngơi hút điếu thuốc, nói với chúng tôi: “Tôi vốn làm nghề xe ôm tại ngã tư Thủ Đức, nhưng năm nào cũng vậy, ngày cận Tết Nguyên đán là tôi lại lôi chiếc ba gác cũ đến các địa điểm bán hoa, cây cảnh để nhận vận chuyển thuê cho khách hàng.
Ngày hôm nay, tôi đã chở được 7 chuyến, chuyến cao nhất cũng được 200.000 đồng. Cố gắng tranh thủ được chuyến nào hay chuyến đó, kiếm thêm mấy ngày giáp Tết đỡ hơn nhiều. Tuy có vất vả nhưng tôi cảm thấy vui, khi cầm được đồng tiền trong tay là mệt mỏi tự nhiên tan biến hết”.
Có chứng kiến cảnh tất bật mưu sinh giữa trời nắng của những người lao động nghèo vào ngày tháng cuối năm mới thấu hiểu phần nào sự vất vả của họ. Tất cả họ như đang chạy đua với thời gian để phấn đấu làm sao có thể có thêm chút tiền cho cái Tết được khá hơn...