Chân dung kẻ có thể kích động khủng bố từ trong mộ

Việc al-Qaeda ở Yemen hôm qua tung video nhận trách nhiệm vụ thảm sát tạp chí Pháp và tuyên bố Anwar al-Awlaki đã "sắp đặt" vụ tấn công, cho thấy dù đã bị tiêu diệt, tên giáo sĩ này vẫn có sức ảnh hưởng đến các phần tử cực đoan.

Giáo sĩ cực đoan Anwar al-Awlaki. Ảnh: Thecommentator
Giáo sĩ cực đoan Anwar al-Awlaki. Ảnh: Thecommentator

Chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Yemen hôm qua tung ra đoạn video nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo của Pháp khiến 12 người thiệt mạng.

Video nói rằng giáo sĩ sinh ra ở Mỹ, Anwar al-Awlaki, lãnh đạo chi nhánh al-Qaeda ở Yemen bị Mỹ tiêu diệt hồi tháng 9/2011, đã "sắp đặt" với các tay súng thực hiện các cuộc tấn công ở Paris. Phát ngôn viên al-Qaeda tuyên bố al-Awlaki "đe dọa phương Tây khi còn sống và cả khi đã tử vì đạo", ý chỉ những lời kêu gọi tham gia phong trào jihad bạo lực trên Internet của hắn vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng.

Dính líu đến vụ khủng bố 11/9

Tuy cha mình là người Yemen, Anwar al-Awlaki là một công dân Mỹ do hắn sinh ra ở Las Cruces, New Mexico năm 1971, khi cha hắn đang học đại học tại đây. Đến năm 6 tuổi, gia đình hắn chuyển về sống ở Yemen cho đến khi hắn trở lại Mỹ để học đại học và ở lại đó trong phần lớn quãng đời trưởng thành của mình.

Hắn theo học ngành kỹ thuật tại trường Colorado State. Năm 1995, al-Awlaki chuyển đến San Diego và làm giáo sĩ tại nhà thờ Hồi giáo Al-Rribat. Al-Awlaki học Đại học San Diego và có được bằng thạc sĩ chuyên ngành giáo dục. Chính tại bang này, al-Awlaki gặp hai kẻ làm chấn động nước Mỹ. Họ là Khalid al-Mihdhar và Nawaf al-Hazmi, hai trong số 5 tên không tặc trực tiếp gây ra vụ khủng bố 11/9.

CIA đã theo dõi Mihdhar và Hazmi từ khi họ tham dự một cuộc họp thành phần cấp cao al-Qaeda ở Malaysia ngày 5/1/2000.10 ngày sau, họ bay đến Los Angeles và kết bạn với al-Awlaki. Al-Awlaki đã viết một tấm séc cho Hazmi 3 tháng trước vụ tấn công 11/9.

Sau các cuộc tấn công vào New York và Washington, mối liên quan đáng ngờ đến hai phần tử khủng bố trên khiến al-Awlaki là đối tượng bị FBI tập trung theo dõi. 4 ngày sau vụ tấn công 11/9, FBI đã tới gõ cửa nhà al-Awlaki. FBI cũng đối chất al-Awlaki trong 3 vụ việc khác nhau và bí mật theo dõi xe của hắn nhiều tuần sau đó.

Vào thời điểm đó, FBI không thể xác định liệu al-Awlaki là người vô tình thường xuyên gặp gỡ những phần tử khủng bố vài năm trước vụ 11/9 hoặc thật sự có âm mưu xấu xa ẩn trong vòng tròn quan hệ của tên giáo sĩ này . Đến đầu mùa xuân năm 2002, al-Awlaki trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học George Washington ở Washington, tuy nhiên, sau đó hắn rời Mỹ đến Anh.

Khalid-al-mihdhar-2-horz-8167-1421313895

Khalid al-Mihdhar (trái) và Nawaf al-Hazmi, hai kẻ trực tiếp gây ra vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Wiki

"Bin Laden trên mạng"

Sau hai năm ở London, al-Awlaki trở lại Yemen. Năm 2006, hắn bị tống vào một nhà tù ở Yemen. Al-Awlaki cho rằng hắn bị giam do có liên quan đến một trong những vụ tranh chấp bộ tộc nghiêm trọng nhất của Yemen. Chính phủ Mỹ lại khẳng định hắn bị tống giam sau khi tham gia vào âm mưu bắt cóc một quan chức Mỹ của al-Qaeda.

Trong thời gian này, FBI vẫn rất chú ý đến al-Awlaki, các nhân viên FBI đã thẩm vấn tên giáo sĩ trong nhà tù của Yemen. Tháng 12/2007, al-Awlaki được trả tự do. Những người biết al-Awlaki thấy hắn thậm chí còn cứng rắn hơn sau thời gian ngồi tù.

Khi al-Awlaki được thả, hắn trở thành giáo sĩ chủ chốt trong thế giới nói tiếng Anh của Hồi giáo cực đoan. Hắn là người được các chiến binh tin tưởng xin cố vấn. Osama bin Laden vẫn là lãnh đạo tinh thần chung của mạng lưới al-Qaeda, nhưng hắn ẩn náu biệt lập ở Pakistan. Trong khi đó, al-Awlaki lại là cầu nối đến các chiến binh phương Tây, khi hắn trò chuyện với họ thông qua trang web của hắn bằng tiếng Anh.

Mùa hè năm 2010, al-Qaeda ở Yemen phát hành số đầu tiên của tạp chí điện tử bằng tiếng Anh, Inspire. Nó nhấn mạnh al-Qaeda ở Yemen, do al-Awlaki dẫu đầu rất ám ảnh về việc xử lý những người họ cho là "phỉ báng" đạo Hồi. Một trong những hành vi bị coi là báng bổ là khắc họa nhà tiên tri Mohammed.

Ấn bản đầu tiên của Inspire đăng một bản danh sách truy giết, trong đó có Flemming Rose và Kurt Westergaard, biên tập viên và họa sĩ, người từng vẽ biếm họa nhà tiên tri Mohammed tại Đan Mạch năm 2005 trên báo Jyllands-Posten.

Cũng có tên trong danh sách là Molly Norris, họa sĩ truyện tranh sống ở Seattle, người muốn khởi xướng ngày "Mọi người vẽ Mohammed" năm 2010.

Inspire thúc giục những kẻ ủng hộ rằng tất cả những người có tên trong danh sách đều đáng bị giết và đăng một bài luận của al-Awlaki, trong đó, vị giáo sĩ cực đoan tán thành quan điểm này và cho rằng những người bôi nhọ nhà tiên tri đã "xúc phạm hơn một tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ chiến đấu vì nhà tiên tri, chúng ta sẽ xúi giục, chúng ta sẽ đánh bom, chúng ta sẽ ám sát".

t1larg-inspire-2-6072-1421313895.jpg

Tạp chí tuyên truyền Inspire của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ảnh: CNN

Tầm ảnh hưởng

Điều khiến al-Awlaki có tầm ảnh hưởng sâu rộng là không giống như một số lãnh đạo khác của al-Qaeda như Osama bin Laden, hắn là một giáo sĩ, do đó, hắn có thể thể hiện mình là một lãnh đạo tôn giáo hàng đầu. Thứ hai, vì al-Awlaki đã dành phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình tại Mỹ, hắn có thể giao tiếp với các môn đồ bằng tiếng Anh.

Hắn từng tuyên bố "Jihad đang ngày càng "Mỹ hóa"". Các bài giảng của hắn vẫn còn được lưu truyền rộng rãi trên YouTube, và hiện vẫn các video vẫn trong tình trạng khả dụng.

Al-Awlaki là nguồn ảnh hưởng đến hai anh em Tsarnaev, những kẻ bị cho là đã giết chết ba người ở các vụ đánh bom Boston Marathon vào năm 2013. Hắn cũng có tác động đến Carlos Bledsoe, kẻ xả súng trung tâm tuyển mộ của quân đội Mỹ ở Little Rock, Arkansas, khiến một binh sĩ thiệt mạng năm 2009. Sau cuộc tấn công, Bledsoe nói nguồn cảm hứng tinh thần của hắn là al-Awlaki.

Thiếu tá Nidal Hasan giết chết 13 người tại Fort Hood, Texas năm 2009 sau khi gửi 18 email tới al-Awlaki, khi đó đang ở Yemen. Al-Awlaki không chỉ đạo cuộc tấn công này, nhưng hắn là nguồn cảm hứng chính cho Hasan.

Umar Farouk Abdulmutallab là một thanh niên Nigeria giấu chất nổ trong quần lót với âm mưu đánh bom chuyến bay 253 của Northwest Airlines năm 2009. Khi bị FBI thẩm vấn, Abdulmuttalab khai rằng al-Awlaki đã chỉ đạo hắn thực hiện vụ tấn công.

Trong số 250 cá nhân bị kết tội hoặc cáo buộc dính líu đến một số hoạt động khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Mỹ sau vụ tấn công 11/9, có đến 62 tên giữ tài liệu, các bài giảng của al-Awlaki và coi hắn là nguồn ảnh hưởng. Có thêm 6 tên thường xuyên trao đổi thư từ hoặc đến Yemen gặp hắn, theo công ty nghiên cứu New America.

1228-Umar-Farouk-Abdulmutallab-6832-1945

Umar Farouk Abdulmutallab, thanh niên Nigeria giấu chất nổ trong quần lót âm mưu đánh bom chuyến bay 253 của Northwest Airlines năm 2009. Ảnh: Snipview

Nguy hiểm cả khi đã chết

Sau âm mưu đánh bom máy bay của Northwest Airlines năm 2009, Mỹ càng tập trung vào vai trò của al-Awlaki là lãnh đạo chủ chốt trong những mưu đồ tấn công Mỹ của al-Qaeda tại Yemen. Các quan chức cấp cao Nhà Trắng bắt đầu tranh luận về việc liệu họ có nên phát lệnh truy sát hắn. Tổng thống và cố vấn của ông chưa bao giờ nghiêm túc suy ngẫm về việc cho phép tiêu diệt một công dân Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng, ông Obama đã chấp thuận cho truy sát al-Awlaki.

Ngày 5/5/2011, chỉ ba ngày sau khi bin Laden bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của lính đặc nhiệm SEAL ở Abbottabad, Pakistan, Tổng thống Obama đã được đội ngũ an ninh quốc gia thông báo có nguồn tin tốt dẫn đến nơi ở của al-Awlaki ở Yemen. Máy bay Mỹ theo dõi được al-Awlaki và các tay sai, tuy nhiên sau đó bị mất dấu hắn tại sa mạc Shabwah ở nam Yemen.

Đến tháng 9/2011, Mỹ nhận được nguồn tin tình báo tốt cho biết al-Awlaki đang ở Al Jawf, biên giới phía bắc của Yemen, sát với Saudi Arabia.

Một phần tử al-Qaeda bị giam giữ trong nhà tù Yemen nói rằng al-Awlaki đã ẩn náu tại một ngôi nhà ở thị trấn Khashef. Al-Awlaki mắc phải một sai lầm lớn, hắn không thay đổi địa điểm ẩn náu thường xuyên mà trú tại Khashef trong hai tuần. Vị trí hắn sống có nhiều trẻ em, điều khiến hắn nghĩ rằng hắn sẽ ít có nguy cơ bị Mỹ tấn công bằng máy bay không người lái hơn.

Sáng 30/9/2011, al-Awlaki và các tay sai lên một vài chiếc xe sau khi dùng bữa sáng. Máy bay CIA nhanh chóng xác định mục tiêu và bắn tên lửa giết chết al-Awlaki.

Tuy nhiên, giết chết hắn không có nghĩa là tiêu diệt được tư tưởng và ảnh hưởng của hắn, mà thậm chí dường như còn khuếch đại chúng với các chiến binh Hồi giáo sinh sống ở phương Tây. Khoảng hai chục tay súng bị truy tố tại Mỹ kể từ sau cái chết của al-Awlaki coi hắn là người truyền cảm hứng hoặc cất giữ các tài liệu tuyên truyền của hắn, theo thống kê của công ty nghiên cứu New America.

Một ví dụ tiêu biểu là Quazi Nafis, thanh niên Bangladesh 21 tuổi tới Mỹ bằng thị thực du học. Tên này bị bắt vào năm 2012 vì âm mưu đánh bom Cục Dự trữ Liên bang New York. Nafis khai rằng tư tưởng của al-Awlaki đã thôi thúc hắn thực hiện.

Năm 2013, Terry Loewen, một người đàn ông 58 tuổi đến từ Wichita, Kansas bị cáo buộc âm mưu đánh bom xe tại sân bay Wichita. Loewen nói với một người cung cấp tin bí mật rằng "tôi đã đọc "44 cách ủng hộ Jihad" của Anwar Al-Awlaki và giống như tất cả tài liệu của ông ấy mà tôi từng đọc, nó rất hữu ích".

Một chiến binh jihad sau này trở thành mật thám cho Mỹ, Morten Storm cho biết các nhóm trung thành với al-Awlaki có thể sẽ tiếp tục tấn công vào phương Tây. "Al-Awlaki có lòng hận thù đối với mọi thứ không phải là Hồi giáo", Storm cho biết trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần này, "hắn tin rằng lời kêu gọi của hắn sẽ mang chiến thắng trở lại cho ngọn cờ Hồi giáo".

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ