Những ánh đèn pin le lói trong đêm
Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Bắc, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài hơn 231km. Trong những tháng ngày cả nước tập trung phòng, chống dịch COVID-19, thì ở vùng đất biên cương này cũng chung tay nơi tuyến đầu. Việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh COVID-19 vùng giáp biên được giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng. Ngay từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), bộ đội ở đây đã luôn “cảnh giác”, “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.
Trong số các địa điểm bộ đội đóng quân, Đồn Biên phòng Ba Sơn (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) thuộc xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc là khu vực có đường biên giáp với Trung Quốc hơn 40km, dài nhất trong số 11 đồn biên phòng của tỉnh Lạng Sơn.
Ngay từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Đồn Biên phòng Ba Sơn được lệnh lập 10 lán chốt chặn, 4 lán cách ly tạm thời. Các cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng bổ sung gồm học viên của Học viện Biên phòng, Đồn Biên phòng Ba Sơn, được chia đều mỗi lán.
Được sự giúp đỡ của Đồn trưởng - trung tá Lều Minh Tiến, chúng tôi theo chân các anh bộ đội ở lán Pá Cuồng (xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) - nơi tiếp giáp với huyện Ninh Minh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) có buổi tuần tra đêm tại khu vực này. Chiếc lán được dựng ngay dưới chân núi, tại cột mốc 1179.
Lán Pá Cuồng chỉ cách đồn gần 5km nhưng phải đi qua những đoạn đường gồ ghề, mới tới nơi. Ở đây, điện không có, nước sạch thỉnh thoảng được mang từ đồn ra cho cán bộ trực chiến. Cơn mưa chiều mới rút nhưng để lại nhiều bùn đất khiến con đường đi lại khó khăn, trơn trượt. Trong chiếc lán được dựng bằng vải dù, thi thoảng lung lay bởi những cơn gió từ rừng núi.
Trong ánh đèn pin, thứ ánh sáng duy nhất giữa đất trời mù mịt, thiếu tá Nông Văn Tấn và trung tá Hoàng Văn Toán đang ngồi uống ly trà để chuẩn bị nhiệm vụ tuần tra đêm. Khi một trong hai người các anh đi tuần, người còn lại sẽ chợp mắt trong vài tiếng và sau đó sẽ thay cho đồng đội mình đi tuần tra tiếp.
Đi vội đôi ủng, tay cầm chiếc đèn pin, trung tá Toán lội qua đoạn đường đất nhão do cơn mưa buổi chiều tối tạo nên. Khác với ban ngày khi nắng, nóng như đốt xuống chiếc lán, đến nỗi các anh phải cắt cỏ tranh để lợp lên, thì buổi tối, trời trở nên lạnh. “Thời tiết đêm nay còn đỡ. Tháng trước, tại lán còn có mưa đá trút xuống” - trung tá Toán chia sẻ trong lúc cầm đèn pin soi qua đoạn đường ven núi, gập ghềnh đá, trơn trượt. Thỉnh thoảng, anh dừng lại, dọi đèn pin ra xa, ánh mắt chăm chú.
Sau gần một tiếng tuần tra, trở về lán trại đã hơn nửa đêm, trung tá Toán cho hay, đêm nay “yên tĩnh”. Song anh vẫn phải ngồi tại lán để trực tới khi đồng đội thay ca. Anh treo chiếc đèn pin biến nó trở thành nguồn điện soi sáng giữa khoảng tối mênh mông, ngồi uống chén trà lạnh ngắt, thứ nước giúp anh tỉnh táo.
"Tôi cùng đồng đội đã hơn 2 tháng nay ở tại lán. Mọi sinh hoạt đều diễn ra tại lán này thôi” - anh cười hiền chia sẻ. Cũng từng đó thời gian, các anh phải tạm xa gia đình mình. Anh cho hay, cũng may mắn có vợ con hiểu được và chia sẻ công việc nên các anh yên tâm công tác. Công việc hàng ngày của các anh là tuần tra để phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép. Nơi này là con đường tiểu ngạch, chỉ cách Trung Quốc chừng 3km nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để vượt biên trái phép. Mỗi khi phát hiện trường hợp nào, các anh đều đưa họ về điểm cách ly tạm thời để nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe, nhằm kịp thời biết được người nào có nguy cơ, giấu hiệu bị bệnh.
Lán Pá Cuồng gần Đồn Biên phòng Ba Sơn nhất cũng hơn 3km, còn những chốt lán khác cách cả chục km đường đồi núi, như chốt Pò Nhùng (xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc - tiếp giáp với Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc).
Để đến chốt, phương tiện thích hợp duy nhất là chiếc xe máy. Chặng đường gập ghềnh, lúc lên dốc, khi xuống đèo, người đi lại phải thực sự quen thuộc các ngã rẽ lên xuống mới không khỏi giật mình. Có những đoạn núi lở sau trận mưa lớn, đất đá trộn lẫn khiến đường đi lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Chỉ vào con suối nước đỏ quạch, chảy xiết, một cán bộ dẫn đường cho hay, hôm 25.3, cơn mưa lớn ngập sâu ngang người và có thể cuốn trôi bất cứ thứ gì trên đường.
Sau gần một tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng tới chốt Pò Nhùng. Tại chốt, trung tá Trần Tiến Vinh - chỉ huy ở đây - đang phân công một số chiến sĩ đi thay ca cho đồng đội ở 4 lán nằm sâu trong rừng. Những chiếc võng “bộ đội cụ Hồ” được mắc trên các thân cây lớn để các anh nằm nghỉ khi đêm xuống, trực tuần. Địa hình phức tạp nên các anh được bổ sung thêm 3 con chó nghiệp vụ. Hàng ngày, các chú khuyển này đi tuần tra cùng với bộ đội, khi phát hiện đối tượng khả nghi xuất hiện ở vùng biên, chúng sẽ được lệnh quật ngã, khống chế.
Nhờ luôn cảnh giác, tuần tra nên chốt chặn và các lán ở Pò Nhùng đã thu dung rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch. Những trường hợp này đều được trao trả hoặc yêu cầu quay trở lại Trung Quốc. Những trường hợp được phía Trung Quốc bàn giao, lực lượng thực hiện các biện pháp cách ly tại chỗ, sau đó đưa đi các điểm cách ly.
Chỉ vào đàn gà phía sau chốt và luống đất mới đập, bừa xong, trung tá Vinh cho hay, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, còn lâu dài nên cán bộ canh tác, chăn nuôi tại chỗ. “Đường sá xa xôi, việc đưa lương thực gặp khó khăn” - chỉ huy chốt Pà Nhùng chia sẻ. Bữa ăn vội hàng ngày tại lán trại của các anh thường là gói mì tôm.
Tình quân dân nơi tuyến đầu chống dịch
Với bà con trong các thôn, bản thuộc xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, hình ảnh các anh bộ đội biên phòng ngày đêm trực chiến, vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 khiến họ rất tự hào, yên tâm và luôn thể hiện tình quân dân.
Mỗi khi đi qua các lán do bộ đội lập để giữ gìn cuộc sống bình yên, sức khỏe cho mình, có thứ gì, bà con cũng biếu. Khi chỉ là rổ ốc mò được, lúc củ sắn, tấm mía, bà con cũng tặng, chia sẻ cho bộ đội.
Anh Chu Văn Nắng - Thôn đội trưởng Nà Va, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc - cho hay, bà con thôn anh nhận được rất nhiều giúp đỡ từ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Sơn. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, cán bộ của đồn đã xuống tận thôn, bản chia sẻ những biện pháp phòng chống dịch COVID-19. “Các anh còn phát khẩu trang cho bà con. Ăn ở cùng bà con thôn bản trong những ngày tuyên truyền phòng chống dịch bệnh” - anh Nắng nói. Chính vì vậy, bà con ngay từ đầu đã có ý thức chống dịch bệnh nguy hiểm này. Đến nay, địa bàn xã chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh COVID-19 nào. Anh chụm hai tay vào nhau, nói ngắn gọn: “Cảm ơn bộ đội”.
Nói về kết quả hiện tại trong công tác phòng chống dịch COVID-19, cùng với việc đảm bảo an ninh trật tự nơi đây, trung tá Lều Minh Tiến - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Sơn - nói rằng, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), đơn vị đã phối hợp với dân quân, công an 3 xã triển khai công tác tuần tra, ngoài ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép nhằm kiểm soát dịch bệnh... Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc và số người dân trên địa bàn đi Trung Quốc lao động, làm thuê (về trước Tết hoặc chưa về). Từ đó, đơn vị đề nghị địa phương theo dõi, quản lý, có biện pháp cách ly tại cộng đồng (nhà riêng).
Ngoài ra, lực lượng biên phòng cũng tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ xuống từng thôn, gia đình người dân vận động và phát động phong trào toàn dân chống dịch. Đồn Biên phòng Ba Sơn cũng triển khai in và dán số điện thoại đường dây nóng của đồn tại các điểm, vị trí tập trung đông người dọc tuyến đường giao thông.
Nhờ kiểm soát, tuần tra thường xuyên, từ ngày 31.1 đến ngày 25.3, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã phát hiện, thu dung 47 vụ, 398 công dân Việt Nam (nam 174, nữ 170) nhập cảnh trái phép là lao động, làm thuê tự về Việt Nam qua các đường mòn biên giới. Những người này đều phải cách ly 14 ngày theo quy định.
Trong câu chuyện, trung tá Tiến nhắc tới cụm từ “đồn biên phòng là nhà”, song nhiều tháng nay, cán bộ chiến sĩ nơi này “ở lán, ăn trong rừng”. Đa phần cán bộ, chiến sĩ từ Tết đến giờ chưa một ngày về thăm nhà. Song, không một ai lơ là công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an ninh nơi biên cương.