Chạm vào nỗi đau nơi ngôi nhà ấu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chạm vào nỗi đau nơi ngôi nhà ấu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(GD&TĐ) - Chỉ cần qua cầu Phong Xuân, bắc qua dòng Kiên Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình), nơi cách nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp không xa, bất kỳ ai cũng thấy không khí buồn bã và trang nghiêm. Tại quê nhà của vị tướng tài danh, nỗi đau hiển hiện như có thể chạm được vào.  

Học sinh tỉnh Quảng Bình chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Học sinh tỉnh Quảng Bình chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tại An Xá, dòng người đổ về ngôi nhà thời thơ ấu của Người ngày một đông hơn, bất chấp trời Quảng Bình đổ mưa nặng hạt. Bao quanh căn nhà nhỏ, giản dị thời thơ ấu của Đại tướng không phải bằng hàng gạch kiên cố mà bằng hàng râm bụt ngang tầm người.  
Nhân chứng không chỉ căn nhà này, mà còn 2 cây vú sữa và cây khế cổ thụ tuổi hơn trăm năm, chứng kiến những thăng trầm của đất nước, vui buồn của gia đình cậu Văn thời ấu thơ - vị tướng kỳ tài và thầy giáo dạy Sử uyên thâm sau này.  Có lẽ ước mơ khao khát về một đất nước độc lập tự do cũng bắt đầu từ căn nhà quá đơn sơ và giản dị này.
Bên ngoài cánh cổng cũ kỹ đã đặt kín những vòng hoa tưởng niệm Đại tướng. Những vòng hoa còn xếp kín ra tận ngõ, bởi những đoàn khách đến viếng Đại tướng ngày một nối dài.
Bức ảnh đại tướng đặt chính giữa căn nhà, giữa những bó hoa, vòng hoa tươi thắm. Trong bộ lễ phục, ánh nhìn của ông trông gần gũi. Bỏ qua vị trí, chức sắc, bỏ qua danh phận và cách biệt tuổi tác, mọi người có mặt tại nơi này để tưởng nhớ và cầu mong Đại tướng an giấc.
Đại tá Nguyễn Bội Giong (88 tuổi) nguyên là Thư ký Quân sự ở Văn phòng Tổng Chính ủy, vừa viết những lời chia buồn trong sổ tang, vừa  xúc động gạt dòng nước mắt ngậm ngùi. Ông đã vượt 600 km, từ Hà Nội, đi gần trắng đêm ngày 10/10 để kịp vào viếng Đại tướng ngày hôm sau tại An Xá. Trước đó, ông đã vào viếng Đại tướng ở số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). 
Tham gia Mặt trận Việt Minh cùng toàn quốc kháng chiến, đến tháng 2/1948, ông Giong được điều động về làm Bí thư viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khoảng thời gian từ tháng 2/1948 đến 6/1951, ông Giong là Thư ký Quân sự ở Văn phòng Tổng Chính ủy với công việc hằng ngày giúp Đại tướng dự thảo Huấn lệnh, mệnh lệnh chỉ đạo quân sự.
Với ông, kỷ niệm về Đại tướng là những hồi ức về sự ấm áp tình người, tình đồng chí. Tính dân chủ, quyết đoán, sáng tạo, linh hoạt, thông minh…của Đại tướng trong công việc và trong cuộc sống khiến ông nể phục. Ông coi Đại tướng không chỉ là một vị chỉ huy tài ba mà còn là người anh cả lớn lao có rất nhiều điều cần học tập và noi theo.  
Cụ bà Vũ Thị Ngách (83 tuổi) người của dòng họ Vũ - Võ ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương) dù đang ốm cũng “phải vào đây để được viếng thăm và tưởng niệm Đại tướng một lần" - bà Ngách chia sẻ.
Còn nhà sư Thích Thanh Hạnh (tên tục là Lê Duy Nhượng, là người lính thuộc Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 ở chiến trường Sài Gòn - Gia Định, thương binh hạng nặng, xuất gia sau khi chiến tranh chấm dút), ở tận Quảng Ninh, hai tay chống nạng, mong kịp vào đây để kịp tưởng niệm Đại tướng. Thầy xúc động tâm sự: “Những người lính chúng tôi vô cùng cảm phục, kính trọng và biết ơn Đại tướng. Chính Đại tướng đã dạy cho chúng tôi hiểu thế nào là người lính của nhân dân…” 
Có rất nhiều người từ xa đến đều lặng người xúc động và nước mắt tuôn rơi khi nghiêng mình trước di ảnh của Đại tướng ngay tại căn nhà bé nhỏ đơn sơ của ông thời thơ ấu. 
Đặc biệt, trong dòng người đổ về làng An Xá, còn có rất nhiều thầy trò, buồn bã trang nghiêm bước đi theo hàng ngay ngắn, ngay cả trong cơn mưa nặng hạt ngày 11/10. Có lẽ nỗi đau  quá lớn, các em chưa đủ trải nghiệm để cảm nhận. Nhưng với những gì các em được kế thừa, thế hệ tiếp bước của làng Yên xá, của Lệ Thủy, của Quảng Bình …sẽ xứng đáng với truyền thống cha ông. 
Được biết, có những thầy cô do không đủ điều kiện đưa trò đến An Xá viếng Đại tướng đã tổ chức mặc niệm, sau khi truyền đạt cho học sinh biết công ơn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự độc lập tự do Tổ quốc, như Trường THPT Nguyễn Huệ ( Hà Tĩnh).
Cả dân tộc Việt Nam những ngày này đều tỏ lòng thương nhớ và tri ân Đại tướng, bởi những gì ông đã làm cho dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Một số hình ảnh lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp do PV báo Giáo dục và Thời đại ghi tại căn nhà thuở ấu thơ của ông ở An Xá (Quảng Bình):
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cây khế hơn trăm tuổi đã chứng kiến những vui buồn của cậu bé Văn khi xưa nay cũng được buộc khăn tang chia nỗi đau mất mát
Chiếc lá vàng rụng của cây khế trăm tuổi trong vườn nhà Đại tướng đã chuẩn bị hòa vào đất Mẹ
Vòng hoa kính nhớ Đại tướng xếp dài trên con đường nhỏ
Vòng hoa kính nhớ Đại tướng xếp dài trên con đường nhỏ
Vòng hoa của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vòng hoa của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nỗi buồn thương tưởng như có thể chạm vào được
Nỗi buồn thương tưởng như có thể chạm vào được
Học sinh các trường tỉnh Quảng Bình trang nghiêm xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng
Học sinh các trường tỉnh Quảng Bình trang nghiêm xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng
Có lẽ nỗi đau quá lớn, các em chưa đủ trải nghiệm để cảm nhận. Nhưng với những gì Đại tướng để lại, với những gì các em được kế thừa, tiếp nhận, thế hệ tiếp bước của làng Yên xá, của Lệ Thủy, của Quảng Bình …sẽ xứng đáng với truyền thống cha ông.
Có lẽ nỗi đau quá lớn, các em chưa đủ trải nghiệm để cảm nhận. Nhưng với những gì các em được kế thừa, thế hệ tiếp bước của làng Yên Xá, của Lệ Thủy, của Quảng Bình …sẽ xứng đáng với truyền thống cha ông.
Ban thờ trang trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại An Xá (Quảng Bình)
Ban thờ trang trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại An Xá (Quảng Bình)
Những người đến viếng Đại tướng ghi lại cảm xúc kính nhớ, tiếc thương trong sổ tang
Đại tá Nguyễn Bội Giong và nhà sư Thích Thanh Hạnh nghẹn ngào viết những lời tri ân chia biệt trong sổ tang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ