Không thể mãi… “xài chùa”
Câu chuyện tác quyền âm nhạc đã “nóng” lên từ nhiều năm trước, nhất là khi VCPMC được thành lập, đứng ra đại diện quyền lợi cho các nhạc sĩ. Trên thực tế, khi VCPMC đã đi vào hoạt động nhiều năm, nhưng không ít nhạc sĩ vẫn coi việc vi phạm bản quyền là… chuyện thường. Trong những lúc “trà dư, tửu hậu”, có nhạc sĩ chia sẻ rằng, việc các trang mạng âm nhạc đưa tác phẩm lên thì “phải cám ơn họ”, vì giúp tác phẩm đến gần hơn với người nghe…
Về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, chuyện thiếu tôn trọng bản quyền ở Việt Nam diễn ra nhiều năm nay và khá rối rắm. Ngay cả các nhạc sĩ còn chưa hiểu hết về quyền lợi của mình, thì cũng không tránh khỏi việc vi phạm tác quyền trong âm nhạc vẫn còn nan giải. Luật về bảo vệ tác quyền trong âm nhạc đã được ban hành, nhưng vẫn chưa được tuyên truyền, hiểu biết một cách thấu đáo, nên vẫn… mỗi người hiểu một cách.
Hơn 40 nhạc sĩ đã uỷ quyền cho VCPMC để đòi quyền lợi do bị đơn vị kinh doanh âm nhạc Sky Music vi phạm bản quyền. Theo đó, Sky Music vì đã sử dụng gần 2.000 ca khúc của các tác giả mà chưa xin phép. Các nhạc sĩ cho rằng, hành vi của Sky Music là vi phạm quyền tác giả nghiêm trọng.
Có thể nói, việc vi phạm bản quyền, “xài chùa” trong lĩnh vực âm nhạc lâu nay đã thành căn bệnh “trầm kha”. Xung quanh vấn đề này, vào đầu tháng 5/2018, nhiều nhạc sĩ như Trần Minh Phi, Hoài An, Nguyễn Văn Chung, Võ Thiện Thanh, Thế Hiển... đã thông qua VCPMC để bày tỏ sự bất bình, khi theo họ, Công ty Cổ phần Sky Music có hành vi vi phạm quyền tác giả nghiêm trọng. Gần 40 nhạc sĩ và đại diện của nhạc sĩ có quyền lợi liên quan đã quyết định ủy quyền cho VCPMC giải quyết vụ việc.
Theo đó, VCPMC đã tiến hành khảo sát các hoạt động sử dụng nhạc của Sky Music và phát hiện doanh nghiệp này “xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điểm d Khoản 1, Khoản 3 thuộc Điều 20 và Khoản 10 thuộc Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ”. Theo quan điểm của VCPMC, đã đến lúc cần chấm dứt nạn “xài chùa” trong âm nhạc. Cả người nghe, người sáng tác cần ý thức hơn trong việc bảo vệ tác quyền âm nhạc, nhằm bảo vệ môi trường sáng tác lành mạnh cho các nhạc sĩ.
Cần “mạnh tay” hơn
Lý giải về những vi phạm trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc những năm gần đây, Trưởng phòng Pháp chế VCPMC, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng, dẫu phát hiện nhiều nhưng xử lý chưa nghiêm, trong khi các đơn vị, cá nhân vi phạm vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của luật pháp. Thậm chí có chỗ, có nơi còn thách thức, ngang nhiên thực hiện hành vi xâm phạm. Cùng với đó, việc triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đồng bộ, hiệu quả. Công tác hậu kiểm, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả còn chưa kịp thời, chưa triệt để, khiến việc thực thi pháp luật chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe…
Từ trước đến nay, quan điểm của VCPMC là luôn nhấn mạnh đến yếu tố ngăn chặn, vì đó là biện pháp tối ưu để tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp hay người sử dụng. Hơn nữa, để giảm thiểu những thiệt hại cho tác giả, cho các chủ sở hữu quyền nói chung thì đưa nhau ra tòa là việc “vạn bất đắc dĩ”. VCPMC cũng xác định, không chỉ 40 nhạc sĩ bị vi phạm tác quyền mà số lượng bị xâm phạm lên tới 200 tác giả, với gần 2.000 tác phẩm.
Trong khi đó, trên trang web của mình, Sky Music đã bày tỏ quan điểm “hoàn toàn tôn trọng các tác giả” và không có hành vi vi phạm tác quyền. Bởi, đã nhiều lần gửi công văn, email nhắc nhở VCPMC xác minh thông tin để thống nhất mức nhuận bút và chi trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ, dựa vào số lượt khai thác thực tế của từng bài hát nhưng không nhận được phản hồi?!
Sky Music khẳng định sẵn sàng hợp tác với VCPMC trên cơ sở số liệu minh bạch. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết không đồng ý cách hành xử của VCPMC khi một mặt “cố tình làm ngơ”, không trả lời công văn của Sky Music, mặt khác lại lặng lẽ cung cấp thông tin không chính xác cho báo chí và các nhạc sĩ để tạo nên phản ứng, dư luận tiêu cực về vụ việc.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, từ trước đến nay, đã có nhiều vụ việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc, nhưng chưa có tiền lệ về một vụ kiện. Cách xử lý trong thực tế khiến cho những người làm sai cũng không có gì phải sợ. Trên thực tế, cả VCPMC và các công ty kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc đều có sự quan tâm đầu tư về vấn đề thực thi luật pháp trong lĩnh vực này, nếu không có sự thống nhất, thỏa thuận với nhau thì đều có thể đưa ra tòa để giải quyết dứt điểm.