Đối với anh dù mệt nhọc, vất vả nhưng nó cũng chẳng thấm tháp vào đâu để anh có thể bù đắp tình cảm của một người mẹ cho các con, mang đến cho các con đầy đủ tình yêu thương trọn vẹn.
Mỗi lần nhìn thấy 2 con, con trai 7 tuổi và con gái 3 tháng tuổi chào đời được 6 ngày mẹ mất khiến anh quặn thắt tim.
Bé Minh Châu ban đầu được vợ chồng anh đặt tên là Ngọc Diệp nhưng sau khi vợ mất, anh đổi tên cho con.
Chạy khắp nơi xin sữa cho con sơ sinh
Anh Duy kể, vợ anh tên là Bích Ngọc mất cách đây 3 tháng khi sinh bé Minh Châu vì bị nhau cài răng lược. Mặc dù gia đình đã tận tình cứu chữa nhưng sau sinh vợ anh hôn mê rồi không tỉnh lại nữa.
Nhớ lại ngày đau lòng ấy, đến bây giờ anh Duy vẫn còn rưng rưng nước mắt, anh cũng không thể ngờ rằng vợ lại bỏ bố con anh đi sớm thế.
Ngày vợ sinh con thứ 2, nghe tiếng khóc con chào đời hạnh phúc lắm, anh vẫn còn vào đưa sữa cho vợ uống và chị vẫn còn xin “cho em uống thêm nữa”, vậy mà đó lại là câu nói cuối cùng trước khi mất.
Vì bị nhau cài răng lược không phát hiện kịp thời, chị Ngọc bị mất máu quá nhiều nên dù được các bác sĩ cấp cứu và cắt tử cung, chị vẫn không qua khỏi.
5 ngày chị hôn mê nằm viện, anh Duy cũng chỉ kịp đưa con trai lên nhìn mẹ lần cuối còn con gái thứ 2 mới sinh cũng chẳng kịp nhìn mẹ, được mẹ ôm vào lòng và bú những dòng sữa mẹ đầu tiên.
Sau khi chị Ngọc không còn tia hy vọng nào nữa, được bệnh viện trả về, bé Minh Châu mới được mọi người bế lại gần bên mẹ lần đầu tiên và cũng là cuối cùng trước khi rút ống thở.
Vợ chồng mình làm ở Hà Nội nên mình đưa vợ về quê đẻ ở Phú Xuyên chôn cất cho gần”, anh Duy đỏ hoe đôi mắt.
Sinh con thứ 2, vợ anh đã lâm vào tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu không tỉnh lại.
Sau khi làm đám tang cho vợ xong xuôi, anh Duy và gia đình phải chạy đi khắp nơi xin sữa cho con gái thứ 2. Nhiều người tốt bụng trong xã biết hoàn cảnh cũng mang đến và cho gia đình anh chút sữa. Tuy nhiên, bé uống không hợp đi ngoài suốt nên anh đành phải cho con uống sữa công thức.
11 ngày sau khi vợ mất, anh cùng con trai lớn trở lại Hà Nội tiếp tục công việc còn gửi con gái cho bà ngoại và bà nội cùng mọi người ở quê chăm sóc. Cứ cuối tuần, hai bố con anh lại chạy xe mấy chục cây số về quê để thăm con.
Anh Duy cho biết, trở về Hà Nội, trong căn phòng trọ cũ của vợ chồng mình, không tối nào anh ngủ được bởi hình ảnh của vợ thân thuộc vẫn luôn hiện diện bên anh. Nhiều đêm anh phải ra ngoài khóc giấu đi những giọt nước mắt của mình trước mặt con.
“Mình cảm giác như vợ vẫn ở bên ngồi trên chiếc ghế quen thuộc rồi mình ngồi bên cạnh cùng nói chuyện. Con còn nhỏ không biết về sự mất mát nhưng có hôm 2 bố con nằm trên giường, con để trống khoảng ở giữa mẹ vẫn hay nằm đó và bảo với mình rằng: “Con không nằm chỗ này đâu, chỗ này là chỗ của mẹ, mẹ đi cùng ông ngoại với thần tiên rồi hôm nào mẹ về mẹ nằm”.
Hóa ra con cũng biết sự mất mát ấy khiến mình rưng rưng vì thương con”, anh Duy chia sẻ.
Căn phòng trọ với bao kỷ niệm ấy khiến anh Duy không thể nguôi nỗi nhớ vợ nên sau 1 tháng anh quyết định chuyển đi cách đó không xa và đón con gái lên Hà Nội sống cùng mình.
Dẫu biết cuộc sống gà trống nuôi con vất vả, đặc biệt là chăm con sơ sinh mới chào đời nhưng anh Duy biết, con sinh ra thiệt thòi thiếu tình yêu của mẹ, anh không thể để con thiếu tình yêu của cả bố.
6 ngày tuổi, bé đã phải đội khăn tang mẹ.
Ngày chỉ ngủ 3 tiếng để chăm con, mưu sinh cuộc sống
Hiện nay, 3 bố con anh Duy đang thuê một căn trọ nhỏ ở gần nhà người thân quen tiện cho việc gửi con mỗi khi đi làm về muộn. Anh cũng thuê một người chăm sóc con ban ngày khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng làm từ 6h -18h để có thể đi làm kiếm tiền nuôi con.
Anh Duy bảo, cứ 6h tối đi làm về anh lại tất bật chuẩn bị mọi thứ cho các con: Nấu ăn, tắm rửa, giặt quần áo, rửa bát. Nếu như trước đây vợ vẫn còn sống, mỗi khi đi làm về sớm anh chỉ phụ giúp vợ giặt quần áo, rửa bát, nấu cơm, hôm nào về muộn vợ lại làm hết thì giờ đây anh phải làm tất cả mọi việc trong nhà.
Lo cho cậu lớn xong, anh lại lo cho cô em. Nhiều khi con quấy khóc “ngủ ngày cày đêm”, anh bị mất ngủ phải thức đến 3h sáng dỗ dành con mới được chợp mắt, rồi 6h sáng lại tiếp tục lo cho con trai đi học, còn mình đi làm.
Dù vất vả, mệt nhọc nhưng anh vẫn cảm thấy mình may mắn vì ở gần nhà người họ hàng đỡ đần trông nom con gái buổi tối mỗi tối phải đi làm thêm. Đó cũng đủ để anh có thêm chỗ dựa lo toan công việc, kiếm tiền nuôi các con khôn lớn.
“Mình chở gạo lương tháng chỉ 5-6,5 triệu/ tháng, trả tiền nhà hết 1,5 triệu, tiền thuê người chăm con hết 3,5 triệu. Hiện nay chi phí sinh hoạt mình đang phải tiêu vào tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng khi sinh bé thứ 2.
Nhiều người thương có việc họ lại gọi đi làm đến 11h tối mới về, mình cũng cố gắng. Những lúc ấy lại nhờ họ hàng gần gặn chăm giúp. 11h tối về, mình lại sang đón các con về”, anh Duy chia sẻ.
Bé Minh Châu chưa được bú giọt sữa nào của mẹ, chưa được cái ôm ấp nào của mẹ nhưng con biết ơn mẹ vì đã sinh ra con, hy sinh mạng sống để con được chào đời.
Anh Duy bảo, những đồ vật của vợ, anh vẫn còn giữ từ chiếc điện thoại, chiếc ghế hay chiếc xe máy để làm kỷ niệm cho các con. Đặc biệt, anh vẫn thường cho con trai xem hình ảnh trên điện thoại của mẹ để con được nhìn thấy mẹ mỗi ngày và luôn nhớ về mẹ.
Anh luôn dặn con trai lớn rằng mẹ đã yêu thương con như thế nào mỗi lần con nhõng nhẽo và anh sẽ dặn cô con gái nhỏ rằng mẹ đã hy sinh cả tính mang để con được chào đời.
Anh Duy tâm sự thêm, nhìn thấy cảnh gà trống nuôi con vất vả của mình, nhiều người cũng khuyên anh vài năm nữa lấy vợ nhưng anh cũng không biết thế nào nữa.
Hiện tại, anh quyết định ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành bởi từng ngóc ngách, từng kỷ vật anh vẫn luôn cảm thấy có vợ ở bên. Dẫu biết rằng cuộc sống phía trước rất nhiều khó khăn nhưng anh tin vợ sẽ luôn ở bên anh, ủng hộ và dõi theo anh trên chặng đường này.