Khởi đầu chuyện của gia đình tôi là thằng anh 10 tuổi - vốn ít có đồ chơi nào sở hữu riêng do phải “chiều em” theo chỉ thị của bố, bỗng “phát minh” ra một món đồ chơi mới. Cu cậu lấy một chai nhựa và mấy chiếc bánh xe từ chiếc xe cũ của thằng em năm tuổi bỏ, làm thành xe mới.
Đang kéo tới kéo lui thì “ông em” quăng hết thùng đồ chơi gồm siêu nhân, xe điều khiển… của mình sang bên và đè anh ra giật chiếc xe “cùi bắp” kia! Thằng anh, tất nhiên không cho. Vậy là thằng em, dù bé tí nhưng cứ lủi cứ nhào tới ôm, cắn chân anh để giành.
Nghe chồng vừa xem ti vi vừa quát nạt thằng con lớn sao không “chiều em”, sao không thương em…, còn thằng anh thì im thin thít xuýt xoa vết cắn đau, tôi buông việc ra mà “phân xử”. Tôi mắng thằng em trước, vì nó quá ỷ lại mình là “vua” của nhà. Rằng một thùng đồ chơi của con không bằng một món đồ anh vừa làm hay sao? Hay là đổi cả thùng này với anh nhé? Tất nhiên nó nước mắt ngắn nước mắt dài trả lời “Bo chỉ muốn lấy của anh Hai chứ không muốn đổi”. “Như thế thì không được. Phải có sự công bằng. Giả dụ bây giờ anh muốn lấy của con chứ không muốn đổi thì con đồng ý không?”, tôi nghiêm mặt. Cu cậu trả lời lí nhí “Dạ không”.
Tôi định quay sang bảo thằng anh, đã biết khi mẹ làm việc cần im lặng, thì đừng khoe đồ chơi với em, hoặc thỏa hiệp cho mượn chút xíu là xong; nhưng chồng tôi đã quát thằng anh không biết chiều em, rồi ẵm thằng em vút lên xe đi mua cho món khác “để khỏi khóc lóc mệt óc”.
Tôi níu xe lại, bảo anh chiều con thế là không được. Bây giờ nó muốn trời có trời, muốn đất có đất thì nó lớn hơn, mình già hơn, làm sao dạy nó được? Tôi nhất quyết không cho chồng đưa con đi mua đồ chơi mới. Chồng lại bảo “chuyện bé xé ra to”, con nít phải được chiều cho nó vui mà mau lớn. Nay mai nó sẽ quên mất, sao làm “ông trời” được mà khéo lo! Và anh vút đi.
Tôi thật sự mệt mỏi, không biết các vị cha mẹ trẻ khác dạy con thế nào? “Phát xít” như tôi hay “chiều thả ga” như chồng? |
Chồng thường bảo tôi là bà mẹ “phát xít”; gì mà phải đòi công bằng, rạch ròi giữa anh em. Hồi thằng anh còn nhỏ, mình nghèo nên không tính, bây giờ phải cưng thằng em cho thỏa mãn. Chả thế mà nó đã từng đập nát một cái iPhone của bố; laptop thì không biết bao lần cài lại chương trình. Chồng còn bảo, vì tuổi thơ mình đã quá nghèo khó, thiếu thốn nên giờ có điều kiện thì hãy chiều con “hết mình”.
Tôi không quan niệm như vậy. Tôi là chị cả của bầy em năm đứa nên quá quen thuộc với sự san sẻ và nhường nhịn, thậm chí thiệt thòi. Điều đó tốt cho tôi sau này, khi đối diện với cuộc sống nhiều bất công và uất ức.
Tôi tự hào rằng mình dạy con khá tốt. Nhưng đến khi thằng con út được bố cưng, hai vợ chồng luôn bất đồng vì dạy con “trống đánh xuôi/kèn thổi ngược”. Tôi bảo anh hãy nghĩ xa hơn, giả dụ ngày nào đó công việc không tốt, thu nhập kém hơn trong khi thằng con đã quen nết “muốn gì được nấy” như bây giờ thì làm sao anh chiều? Đó là chưa kể, sẽ gây ra chuyện mất đoàn kết giữa hai anh em, vì anh luôn trong tâm trạng “ghét” em bởi em được nhiều ưu ái. Chồng cứ bảo tôi “trù” và cuộc sống này là vòng luân chuyển “tới đâu tính tới đó”, hơi đâu lo bò trắng răng.
Tôi thật sự mệt mỏi, không biết các vị cha mẹ trẻ khác dạy con thế nào? “Phát xít” như tôi hay chiều thả ga như chồng?