Cầu treo 32 tuổi oằn mình kêu cứu

GD&TĐ - Chiếc cầu treo Bến Sắn tại làng Cao Sơn, xã Cao Thịnh, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) được người dân ở đây gọi là chiếc cầu “già” vì đã được xây dựng từ năm 1982.

Thanh sắt trên thành cầu đã bị gãy.
Thanh sắt trên thành cầu đã bị gãy.

Đến nay, chiếc cầu này đã xuống cấp nhiều nhưng hàng ngày vẫn phải oằn mình chở hàng nghìn người dân đi qua.

Nguy hiểm rình rập

Cầu treo Bến Sắn được nhà máy Quốc phòng Z111 xây dựng từ tháng 3/1982 và được gọi là Cầu đoàn kết quân dân, bắc qua sông Hép, nối từ trung tâm xã Cao Thịnh lên Thị trấn Ngọc Lặc và một số xã khác.

Người dân trong xã đi lại chủ yếu qua cây cầu này, thế nhưng từ nhiều năm nay, cây cầu đã xuống cấp với nguy cơ gây nguy hiểm cho người giao thông trên cầu.

Gần đây nhất, trận lũ lụt tháng 9/2012, nước ngập cầu trôi mạnh, khiến cho một bên thành cầu bị nghiêng, nhiều thanh gỗ trên cầu đã mục nát, chân trụ hai bên cầu đều đã bị hoen gỉ, mục ruỗng tạo thành khoảng không phía dưới chân cột, khiến cây cầu trở nên chông chênh.

Ông Trịnh Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Thịnh - cho biết: Cầu treo Bến Sắn được xây dựng với thiết kế chiều dài là 40m, chiều rộng là 2,2m. Hiện nay, toàn xã Cao Thịnh có 5.400 nhân khẩu.

Hàng ngày nhân dân địa phương vẫn đi lại qua cây cầu này dù biết nguy hiểm rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính quyền địa phương đã treo biển cấm xe ôtô đầu ngang, đầu dọc qua cầu và cảnh báo cấm xe máy, xe đạp đi trên cầu.

Nhưng hàng ngày, cây cầu vẫn gắng sức cho hàng trăm chiếc xe máy, xe đạp chạy qua. Mỗi khi xe máy đi trên cầu, chiếc cầu lại phát ra tiếng kêu ầm ầm, thân cầu rung lên bần bật.

Ông Hùng nói: “Hàng năm, vì cũng không có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ việc tu sửa cầu, nên UBND xã Cao Thịnh cũng chỉ sửa chữa những chi tiết nhỏ như thay ván cầu, chằng lại những thanh gỗ…”

Cầu già, con trẻ vất vả

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa lớn nước sông thường ngập đến mặt cầu, khiến cho việc đi lại của người dân hai bên cầu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, là các em học sinh, bên này cầu có bốn làng với tổng số 250 học sinh từ cấp tiểu học đến THCS.

Và hàng ngày các em vẫn phải đi học qua cầu, những ngày mưa ngập cầu các em buộc phải nghỉ học nhiều vì không thể qua cầu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của địa phương nói chung và việc học của các em nói riêng.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương cùng người dân xã Cao Thịnh nhiều năm nay đã đề xuất các cấp có thẩm quyền về việc cấp thiết phải xây dựng một cây cầu cứng để đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại. Thế nhưng đến nay, cây cầu vẫn chưa được xây dựng.

Ông Trịnh Ngọc Hùng cho biết thêm, kinh tế trong xã chủ yếu phát triển nghề nông – lâm – chăn nuôi, với bốn cây chủ lực là mía, lúa, cao su và dứa. Để tiêu thụ được các nông sản của nhân dân cần phải phát triển giao thông thuận lợi.

Hiện xe ô tô vào trung tâm xã phải đi đường vòng xa khoảng 7-8 km đường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển khinh tế của địa phương nơi đây.

Nếu xây dựng cây cầu cứng thay cho cầu treo đã xuống cấp, không những đảm bảo được an toàn cho người dân mà còn có ý nghĩa to lớn giúp cho việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội được thuận lợi, giúp nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi xã Cao Thịnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ