Hôn nhân là trái do cây tình yêu tạo nên. Nhưng trái ngọt hay đắng lại phụ thuộc vào rễ, mà rễ của cây trong một gia đình chính là Vợ – Chồng.
Hôn nhân là cầu nối gắn kết hai con người không máu mủ ruột rà về sống chung một mái nhà, vun đắp một tình yêu, chăm lo một hạnh phúc. Nhưng đôi khi chén bát trong chạn còn có ngày khua nhau, huống chi là vợ chồng - hai con người, hai cá tính, hai cách sống khác nhau sao tránh khỏi những lúc chén xô đũa lệch. Nhưng quan trọng là xô rồi, lệch rồi thì có chỉnh lại cho “ngay ngắn” như lúc đầu hay không?
Cuộc sống gia đình thì không phải lúc nào cũng êm đềm và hạnh phúc. Theo quan điểm của nhà văn Mỹ Richard Paul Evans, khắc phục khó khăn và khủng hoảng trong hôn nhân là một cái gì đó để giúp mỗi người trong chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để vượt qua.
Và dẫn chứng cho quan điểm này, ông đã chia sẻ câu chuyện rất thực về đời sống hôn nhân của mình, về sức mạnh, về nguồn cảm hứng để ông có thể cùng gia đình vượt qua sóng gió, đưa con thuyền tình yêu đến bến bờ hạnh phúc.
Ảnh minh họa |
“Cô con gái lớn, Jenna của tôi gần đây đã nói với tôi rằng: “Nỗi sợ hãi lớn nhất của con là trở thành một đứa trẻ có ba và mẹ ly hôn. Con nghĩ rằng ba nên tìm cách gì đó để cải thiện tốt hơn mối quan hệ với mẹ hơn những gì ba đã từng làm”. Sau đó con bé nói với nụ cười lấp lánh: “Con rất vui vì ba mẹ đã làm được điều này”.
Trong những năm mà tôi và vợ tôi Keri còn tranh cãi thường xuyên, tôi không thể khẳng định chính xác điều gì đã “hút” chúng tôi lại với nhau, nhưng tính cách chúng tôi không hề hợp nhau, thậm chí còn rất là khác biệt. Và chúng tôi lại còn kết hôn cùng những sự khác biệt rõ rệt đó.
Cuộc “đụng độ” giữa “danh tiếng và vận may” cũng không làm cho cuộc hôn nhân của chúng tôi dễ dàng hơn. Sự thật thì nó còn làm trầm trọng hơn các vấn đề. Sự căng thẳng của chúng tôi thì quá tệ đến nỗi tôi thường chọn đi ra ngoài du lịch như một sự giải vây, mặc dù tôi luôn phải trả tiền cho việc tái nhập cảnh.
Cuộc chiến của tôi và Keri trở nên liên tiếp, thậm chí khó có thể nào tưởng tượng nổi mối quan hệ hòa bình. Chúng tôi phòng thủ kiên cố, xây dựng pháo đài tình cảm xung quanh trái tim mình. Chúng tôi đứng trên bờ vực của sự ly hôn và hơn một lần chúng tôi thảo luận về nó.
Tôi đã đặt vé đi du lịch khi mọi thứ tồi tệ đợi ở phía trước. Chúng tôi vừa có cuộc cãi nhau rất nghiêm trọng qua điện thoại và Keri rất tức giận với tôi. Tôi đã một mình và cô đơn, thất vọng và giận dữ, sức chịu đựng của tôi đã đạt đến giới hạn. Lúc đó tôi tìm đến Chúa, hoặc có thể gọi là quay về với Chúa.
Tôi không biết bạn có gọi đó là cầu nguyện khi hét lên với chúa hay không, nhưng bất cứ điều gì tôi đã từng làm, tôi không bao giờ quên nó. Tôi đang đứng trong phòng tắm của Buckhead, khách sạn Ritz-Carlton ở Atlanta hét lên với Chúa rằng hôn nhân là sai lầm và tôi không thể làm gì cho nó nữa.
Ảnh minh họa |
Mặc dù, tôi ghét khi nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng sự đau khổ mà chúng tôi ở bên nhau là quá nhiều. Tôi đã rất bối rối, tôi không tìm ra nguyên nhân tại sao hôn nhân của tôi với Keri lại khó khăn đến vậy.
Từ trong sâu thẳm, tôi biết Keri là một người tốt, và tôi cũng là một người tốt. Vậy tại sao chúng tôi không thể hòa thuận? Tại sao tôi lại kết hôn với một người rất khác biệt so với tôi? Tại sao Keri không thay đổi?
Cuối cùng khi kiệt sức nói không thành tiếng, tôi ngồi xuống trong phòng tắm và khóc. Trong sâu thẳm của sự tuyệt vọng, có một nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến với tôi: “Bạn không thể thay đổi được cô ấy, Rich à. Bạn chỉ có thể thay đổi chính mình”. Ngay tại lúc đó, tôi bắt đầu cầu nguyện, Nếu tôi không thể thay đổi được cô ấy, vậy tôi sẽ thay đổi chính mình.
Tôi cầu nguyện thâu đêm, tôi cầu nguyện cả ngày hôm sau trên đường bay về nhà. Tôi đã cầu nguyện ngay cả lúc tôi bước chân vào nhà với một người vợ lạnh lùng – người mà thậm chí không công nhận tôi. Đêm đó, khi chúng tôi nằm trên giường, cách nhau có vài centimet mà cảm giác giống như cách xa nhau cả vạn dặm, nguồn cảm hứng lại đến. Tôi biết tôi cần phải làm gì?
Sáng hôm sau, tôi lăn người qua phía Keri và hỏi: “Anh có thể làm gì giúp em trong ngày hôm nay?”
Keri nhìn tôi đầy giận dữ: “Cái gì?
“Anh có thể làm gì giúp em trong ngày hôm nay?”, tôi lặp lại.
“Anh có thể làm được gì sao?”, Keri nói. “Tại sao lại hỏi câu đấy?”
“Bởi vì anh biết ý nghĩa của nó”, tôi nói. “Anh chỉ muốn biết anh có thể làm gì giúp em cho em cảm thấy tốt hơn”.
Keri nhìn tôi đầy hoài nghi: “Anh muốn làm một thứ gì đó à? Dọn nhà bếp đi”.
Cô ấy hy vọng tôi sẽ nổi điên lên, nhưng không, thay vào đó, tôi gật đầu và nói “Được”. Tôi đứng dậy và đi dọn nhà bếp.
Ngày hôm sau tôi cũng hỏi điều tương tự: “Anh có thể làm gì giúp em trong ngày hôm nay?”
Cô ấy nheo mắt nói: “Dọn gara để xe”.
Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi sẽ có một ngày bận rộn và tôi biết cô ấy đã đưa ra các yêu cầu trong sự căm hận. Tôi sẽ bị cám dỗ để cãi nhau với cô ấy, nhưng tôi lại nói “Được”. Tôi đứng dậy và trải qua 2 giờ đồng hồ để làm sạch gara. Keri chắc chắn không hiểu tôi đang nghĩ gì.
Buổi sáng tiếp theo nữa, “Anh có thể làm gì giúp em trong ngày hôm nay?”
“Không có gì”, Keri nói. “Anh không cần làm gì cả. Và làm ơn đừng nói câu đó nữa”.
Tôi nói: "Anh xin lỗi, nhưng anh không thể. Anh đã thực hiện một cam kết với bản thân. Anh có thể làm gì để em có thể cảm thấy tốt hơn?”
“Tại sao anh phải làm điều đó?”, Keri hỏi tôi.
“Tại vì anh quan tâm đến em”, tôi nói. “Và cả cuộc hôn nhân của chúng ta nữa”.
Sáng hôm sau, tôi lại hỏi như thế, và cứ tiếp tục, tiếp tục. Trong suốt tuần thứ 2, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi tôi hỏi câu hỏi ấy, mắt Keri long lanh nước, rồi cô ấy òa khóc. Khi đã bình tĩnh hơn, cô ấy nói:“Làm ơn đừng hỏi em câu hỏi đó nữa. Vấn đề không phải là ở anh. Là do em. Em rất khó tính, khó chịu, cộc cằn. Em không biết tại sao anh lại ở lại với em”.
Tôi nhẹ nhàng nâng cằm cô ấy lên cho đến khi cô ấy nhìn vào mắt tôi: “Bởi vì anh yêu em, Anh có thể làm gì để em có thể cảm thấy tốt hơn?”
“Em mới là người nên hỏi câu hỏi đó với anh”, Keri nức nở.
“Em nên thế”, tôi nói. “Nhưng không phải là bây giờ. Ngay bây giờ, anh cần phải thay đổi chính mình. Em cần biết em có ý nghĩa như thế nào đối với anh”.
Cô ấy gục đầu vào ngực tôi nói: “Em xin lỗi. Em đã quá ích kỷ”.
“Anh yêu em”.
“Em cũng yêu anh”.
“Anh có thể làm gì giúp em trong ngày hôm nay?”
Cô ấy nhìn tôi đầy ngọt ngào: “Có thể chúng ta chỉ cần dành một chút thời gian bên nhau?”.
“Anh thích thế”, tôi cười.
Tôi tiếp tục hỏi câu hỏi đó trong hơn một tháng. Và mọi thứ đã thay đổi. Các cuộc tranh cãi dừng lại. Sau đó, Keri bắt đầu hỏi tôi: “Em có thể làm gì cho anh? Làm thế nào để em có thể là một người vợ tốt hơn? “
Bức tường ngăn cách giữa chúng tôi đã bị sụp đổ. Tôi và Keri bắt đầu có những cuộc trò chuyện ý nghĩa về việc chúng tôi cần gì trong cuộc sống và chúng tôi nên làm thế nào để mang lại hạnh phúc cho nhau. Không, chúng tôi không giải quyết hết tất cả các vấn đề của mình ngay lập tức được.
Tôi không thể nói rằng chúng tôi không cãi nhau thêm một lần nào nữa. Nhưng bản chất của những cuộc tranh cãi đã thay đổi. Nó không chỉ ít hẳn đi, mà còn chỉ là những tranh cãi nhẹ, và chúng tôi không dùng nó để làm tổn thương đối phương.
Bây giờ thì tôi và Keri đã trải qua 30 năm trong đời sống hôn nhân. Tôi không chỉ yêu vợ tôi, mà tôi còn thích cô ấy. Tôi thích được sống cùng cô ấy, tôi khao khát cô ấy, tôi cần cô ấy. Nhiều điểm khác biệt giữa chúng tôi bỗng trở thành thế mạnh, và những điều khác không còn quan trọng nữa. Chúng tôi học cách chăm sóc nhau, và quan trọng hơn, chúng tôi khao khát đạt được điều đó.
Hôn nhân thì rất khó tính và nghiêm khắc. Nhưng làm cha mẹ thì phải có trách nhiệm giữ gìn cho nó hòa hợp. Mọi thứ khác đều rất quan trọng và có giá trị đối với tôi. Có được người bạn đời là món quà tuyệt vời. Tôi đã học được rằng cơ chế của hôn nhân có thể giúp chúng tôi hòa giải được những tính cách khó ưa nhất của chúng tôi. Và tất cả chúng ta ai cũng có những tích cách khó ưa cả.
Qua thời gian tôi đã rút ra được một điều chuyện của tôi và Keri là minh chứng cho nhiều bài học lớn hơn nữa trong hôn nhân. Câu hỏi mà mỗi người nên hỏi với người bạn đời của mình mang ý nghĩa rất lớn: “Anh/Em có thể làm gì giúp em/anh trong ngày hôm nay?”. Đó là tình yêu. Tiểu thuyết lãng mạn là tất cả những mong muốn khát khao hạnh phúc chưa từng có, nhưng hạnh phúc chưa từng có đó không đến từ lời ước nguyện.
Tình yêu thật sự không phải là mong muốn của một người, nhưng để có được hạnh phúc như họ mong muốn đó thì đôi khi, thậm chí có thể phải hy sinh chính bản thân họ. Tình yêu thật sự không phải là bản sao của một người khác mà phải là chính bản thân họ. Đó là cần mở rộng tấm lòng của sự khoan dung, quan tâm, chăm sóc, và tích cực tìm kiếm những ưu điểm của người khác. Tất cả những thứ khác đều không quan trọng.
Tôi không nói rằng những gì xảy ra giữa tôi và Keri sẽ có ích cho tất cả mọi người. Tôi cũng không tuyên bố rằng các cuộc hôn nhân thì cần lưu lại câu chuyện này. Nhưng đối với tôi, tôi vô cùng biết ơn những nguồn cảm hứng đến với tôi vào ngày hôm đó cách đây đã rất lâu.
Tôi rất biết ơn gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn và rằng tôi vẫn còn có vợ tôi - người bạn tốt nhất của tôi, nằm trên giường bên cạnh tôi mỗi khi tôi thức dậy vào buổi sáng. Và thậm chí ngay bây giờ tôi cũng rất biết ơn, và nhiều năm sau nữa, một trong 2 chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỏi câu “Anh/Em có thể làm gì giúp em/anh trong ngày hôm nay?”.
Một câu hỏi rất đơn giản vậy mà có thể cứu vãn được một cuộc hôn nhân, cứu sống được hạnh phúc của một gia đình. Nhưng vấn đề không nằm ở nội dung câu hỏi, mà nằm ở thái độ thành tâm của người hỏi.
Mỗi người chúng ta ai cũng có cái tôi của mình, và ai cũng muốn khẳng định cái tôi đó. Tuy nhiên trong cuộc sống hôn nhân, không còn 1+1=2 nữa, mà phải là 0.5+0.5=1. Mỗi người giảm bớt cái tôi của mình xuống còn một nửa, để dung hòa, thấu hiểu và chấp nhận với một nửa cái tôi của người bạn đời để cộng lại là con số 1 hoàn chỉnh.
Và có một câu mà tôi nghĩ bạn cũng giống như tôi phải suy ngẫm “Nỗi sợ hãi lớn nhất của con là trở thành một đứa trẻ có ba và mẹ ly hôn.”. Vâng, chẳng đứa trẻ nào muốn điều đó xảy ra nên mong rằng mỗi người lớn chúng ta nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định điều gì cho cuộc hôn nhân của mình, hãy cứu chữa nó khi còn có thể.
“Tu trăm năm mới chung một chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ”, đó là câu nói dân gian về duyên phận nhân sinh, gặp nhau bởi chữ duyên, gắn kết đời nhau bởi chữ nợ, nên hãy trân quý cơ duyên này cũng chính là trân quý bản thân mình.