Câu hỏi lớn cho Toán ứng dụng

Câu hỏi lớn cho Toán ứng dụng

(GD&TĐ) - Vô vàn những khó khăn trong việc phát triển ứng dụng Toán học tại Việt Nam được các nhà khoa học đưa ra nhưng chưa có lời giải đáp thấu đáo.

GS.Ngô Bảo Châu troa đổi cùng các nhà toán học trong buổi thảo luận chiều 24/8. Ảnh: gdtd.vn
GS Ngô Bảo Châu trao đổi cùng các nhà Toán học buổi thảo luận chiều 24/8. Ảnh: gdtd.vn

Nhiều đất dụng võ

Tại cuộc thảo luận mới đây giữa các nhà khoa học, chủ trì là giáo sư Ngô Bảo Châu, có thể thấy tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực - cả doanh nghiệp - cũng đang chờ đón sự “bắt tay” của Toán học ứng dụng.

Theo GS. TSKH Phạm Kỳ Anh - Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN), hiện một trong những ứng dụng thực tế rất cần có Toán học đó là bài toán liên quan đến việc dự báo những hiện tượng cực đoan trong thời tiết.

Nhiều thời gian cộng tác trong lĩnh vực Khí tượng Thủy văn, GS Phạm Kỳ Anh  thấy hầu hết người làm về lĩnh vực này đều lấy mô hình từ nước ngoài. Họ cho rằng, nếu tính toán chưa chính xác, đó là do năng lực của máy tính nên đề nghị nâng cấp năng lực tính toán. Nhưng thực ra mô hình có vấn đề.

Bên cạnh đó, việc dựa vào các mô hình tổ hợp của quốc tế chưa chắc đúng hoàn toàn với điều kiện Việt Nam. Phần Toán học ở đây - theo GS Phạm Kỳ Anh - là rất quan trọng, như vấn đề đồng hóa dữ liệu. Đó là bài toán đặt phương trình, hay những vấn đề liên quan đến phương trình nhiệt động lực học rất phức tạp.

“Ngay cả bài toán mà hiện nay mọi người đang tìm cách giải quyết nhưng chưa thấy các nhà Toán học Việt Nam tham gia vào, đó là điều hành những hồ chứa nước. Việc điều hành trong mùa bão lụt rất khó, vì không biết bão về lúc nào, điều tiết bao nhiêu...” - GS Phạm Kỳ Anh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hữu Dư - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐHQGHN), thành viên Hội đồng khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán - cho rằng: Bài toán điều tiết các đập thủy điện đã có một số nhóm giáo sư Việt Nam làm nhưng kết quả còn rất khiêm tốn.

Ông Dư cũng cho biết thêm, trong quá trình tham gia xử lý bài toán tín hiệu ở công ty Viettel, thấy rằng họ đã xây dựng một cơ sở hùng hậu để đón nhận sự ứng dụng của Toán học. Nếu người làm toán vừa biết lý thuyết lại có đầu óc thực tiễn cùng làm sẽ đạt kết quả rất tốt.

Kết quả còn khiêm tốn

Thừa nhận Toán học Việt Nam đã đặt chân vào phần ứng dụng nhưng kết quả còn sơ khai, ông Nguyễn Hữu Dư cho rằng, đây không chỉ là thực trạng của riêng Toán mà còn cả với các ngành khoa học cơ bản khác tại Việt Nam.

“Để áp dụng vào điều kiện thực tế đòi hỏi những khắt khe nhất định như tính ổn định về mô hình, độ chân thật về cơ sở dữ liệu cũng như nhu cầu thực tế ở đơn vị. 3 cái đó ở Việt Nam chưa có nơi nào đạt được tiêu chuẩn. Nhu cầu thực tế đặt ra thì nhiều nhưng người cần thì không có quyền quyết định, người có quyền quyết định lại chưa hẳn cần những áp dụng như vậy” – ông Dư cho hay.

Còn theo TS.Nguyễn Ái Việt - Viện trưởng Viện CNTT (ĐHQGHN), cái khó của ứng dụng toán bắt đầu từ chính cách dạy Toán trong nhà trường phổ thông khiến người học sau này khó có thể làm Toán ứng dụng. Đặt vấn đề nên cải tiến trong dạy Toán, ông Việt gợi ý thành lập các câu lạc bộ để các giáo sư tiếp xúc với những sinh viên quan tâm đến Toán học:

“Khi 4 tuổi, tôi được gặp Giáo sư Hoàng Hữu Tường, Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, sau đó cả đời tôi chỉ đi học hình, tích phân.” - TS.Việt dẫn chứng.

Với giáo sư Ngô Bảo Châu, dù chưa đưa ra được câu trả lời thật sự thuyết phục và rõ ràng cho câu hỏi triển khai toán ứng dụng Toán học ở Việt Nam nhưng cả câu hỏi và câu trả lời đã được mở ra. Giáo sư hy vọng, trong thời gian tới, những người làm Toán ứng dụng và các ngành khác sẽ cùng với Viện nghiên cứu cao cấp về Toán triển khai một số ứng dụng nghiên cứu, ứng dụng Toán học trong phạm vi của Viện và trong phạm vi chương trình quốc gia.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ