Phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi đã trải qua 18.000 giờ bay trong suốt ba thập kỷ làm việc tại hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) cũng như từng lái qua máy bay Fokker F50s, Boeing 737 và Airbus A300.
Tại nhà của vị cơ trưởng ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, cảnh sát tìm thấy mô hình của chiếc Boeing 777 và một bộ sưu tập khổng lồ máy bay điều khiển từ xa, trong số đó có một chiếc trực thăng 2 động cơ hạng nhẹ.
Các đồng nghiệp của Shah nhận xét ông là người đam mê công nghệ hàng không và thường mang cả công việc về nhà để làm. Một phi công chơi thân với Shah nhận xét: “Anh ấy am hiểu mọi thứ về chiếc Boeing 777-200 nên không thể là nguyên nhân khiến máy bay bị mất tích. Có thể là do máy bay gặp sự cố về điện”.
Cảnh sát cũng đặt câu hỏi với gia đình của cơ trưởng Shah và điều tra xem liệu ông có gặp vấn đề về tâm lý hay thần kinh hay không, đồng thời cho biết đó một phần của công tác nghiệp vụ.
Tuy nhiên, Cảnh sát trưởng Cục điều tra hình sự Bukit Aman, ông Datuk Hadi Ho Abdullah hôm nay khẳng định không hề có chuyện lục soát nhà của cơ trưởng chuyến bay MH370.
Theo NDTV, hiện cảnh sát Malaysia còn tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các cảnh quay từ camera giám sát tại sân bay Kuala Lumpur nhằm phân tích hành vi của toàn bộ 239 hành khách trước khi họ đặt chân lên máy bay.
Phía hãng hàng không Malaysia Airlines mô tả cơ trưởng Shah là một “phi công rất dày dạn” và tính cách chuẩn mực.
Trong khi giới chức Malaysia và cộng đồng quốc tế đang ráo riết truy tìm nguyên nhân chiếc Boeing 777-200 đột nhiên biến mất, một công nhân giàn khoan người New Zealand tên Mike McKay cho biết ông đã nhìn thấy một chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bốc cháy vào sáng ngày 8/3.
Nơi ông Mike McKay phát hiện chiếc máy bay của hãng hàng không MAS bốc cháy. Ảnh: News.com.au |
“Khi đang ở trên giàn khoan Songa Mercur, ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu của Việt Nam, tôi phát hiện một chiếc máy bay phản lực bốc cháy. Ngọn lửa bùng lên khoảng 10-15 giây rồi tắt ngúm khi máy bay vẫn còn ở trên không trung. Sau đó, tôi cố gắng liên lạc với nhà chức trách Việt Nam và Malaysia nhưng không nhận được phản hồi”.
Giàn khoan Songa Mercur là của Tập đoàn Zarubazhneft của Nga mới được chuyển từ Cuba về Biển Đông – Việt Nam hồi giữa năm 2013.
Phía Việt Nam sau khi nhận được e-mail thông báo đã tổ chức tìm kiếm tại khu vực nghi vấn nhưng không thu được kết quả.