Ngày 16/11, tại cuộc họp sơ kết 10 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả 389 tỉnh Quảng Ninh, theo Đại tá Trịnh Ngọc Quyên - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - những miếng vàng trộn bột kim loại vào trong được sản xuất bằng công nghệ tinh vi.
Đáng lưu ý, loại bột lạ này chưa xác định được là chất gì và chìm trong vàng khi nóng chảy ra; khi đưa vàng vào máy kiểm tra thì cho kết quả 99% nhưng thực tế đưa ra phân kim thì chỉ có khoảng 40% vàng.
“Một thỏi vàng bán từ 400 - 500 triệu đồng thì loại vàng dởm này có giá trị chỉ khoảng từ 105 - 120 triệu đồng. Ngay cả người buôn bán vàng lâu năm có kinh nghiệm cũng khó có thể phát hiện được.
Thủ đoạn này tiếp tục có diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng và người dân cần đề cao cảnh giác, đặc biệt vào những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ vàng rất lớn” - Đại tá Quyên lưu ý.
Ông Dương Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc phụ trách khối sản xuất kỹ thuật Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji - cho hay: "Gần đây thì việc độn kim loại “cao cấp” hơn. “Với chiêu thức đưa vào vàng tỷ lệ bột kim loại gần 60% mà người thợ không phát hiện được bằng các phương pháp đo thì kỹ thuật sản xuất các loại vàng này của bọn tội phạm khá tinh vi”.
Theo ông, tỷ lệ bột kim loại cao sẽ thay đổi tính chất bề mặt của vàng và dễ bị phát hiện, những mẫu “vàng lạ” mà Doji đã kiểm định trước đây, tỷ lệ bột kim loại pha vào chỉ ở mức 10 - 20% là bị phát hiện ngay.
Các mẫu vàng “rởm” được phát hiện trước đây dùng bột kim loại mịn, trong nhóm Pt. Nhóm kim loại Pt tồn tại trong vàng miếng, vàng thỏi dưới dạng hạt sạn màu ánh kim.
Để phát hiện loại vàng “rởm” này, người mua quan sát bề mặt vàng không được sáng bóng. Khi cắt ngang miếng vàng và kiểm tra dưới kính hiển vi, cường độ phân giải cao có thể phát hiện một số dấu vết “lạ” rất nhỏ bên trong...
Trước đó dư luận cũng từng xôn xao trước việc chất lạ” độn trong vàng có thể là volfram.
Đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết: Loại vàng này có thể “qua mặt” được các loại máy đo vàng hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - nhận định ngoài bột vonfram, trong những năm gần đây, thị trường còn xuất hiện loại vàng được pha tạp chất lạ 5-10%.
Sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia cho rằng, tạp chất lạ được pha chế vào vàng chính là hỗn hợp gồm Ru, Ir và Os (ROI), có xuất xứ từ Trung Quốc, Hong Kong.
Tuy nhiên theo TS. Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) - nhận định nếu hợp chất dạng bột kia thu từ vàng mà là vofram thì có nghĩa volfram được trộn với vàng chứ không thể để trong lõi của thỏi vàng được. Đặt trong lõi khối vàng thì chỉ có thể là volfram dạng cục.
Trường hợp trộn lẫn với vàng, TS Lợi cho rằng không khó để phát hiện thậm chí bằng mắt thường và volfram luôn có xu hướng nổi trên bề mặt do có khối lượng riêng thấp hơn vàng. Tại Viện Hóa học, các chuyên gia đã thực nghiệm với hàm lượng 10% volfram thôi, vàng đã đen xì.