Trung tá Nguyễn Văn Hải - Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM - là người dẫn đoàn trong suốt thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm và làm việc tại TP HCM.
Không được phép sai dù chỉ một li
Trung tá Nguyễn Văn Hải cho biết trước khi Tổng thống Obama và đoàn sang Việt Nam, Công an TP HCM đã trình các phương án để tuần tra dẫn đoàn. Sau đó, phía Mỹ nhất trí chọn phương án A, các phương án còn lại làm dự phòng. Đây là phương án tối ưu thường dành cho các nguyên thủ quốc gia.
“Mặc dù phía Mỹ rất kỹ, họ đưa ra một số yêu cầu khác nhưng không được chúng ta chấp nhận. Tuy nhiên, khi chuyến công du kết thúc, họ cảm thấy rất hài lòng với phương án mà chúng ta đưa ra” - trung tá Hải nói.
Trước khi đoàn tổng thống Mỹ sang Việt Nam, các chiến sĩ được phân công dẫn đoàn tiến hành tập huấn trước một tuần. Lúc đoàn của Tổng thống Obama sang được một ngày, đội dẫn đoàn tập thêm lần nữa để không được phép sai dù chỉ một li. “Chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng từ con người cho đến phương tiện, tập huấn kỹ năng, lắp ráp nhiều đội hình khác nhau để không được phép xảy ra một sai lầm nào. Do đó, các bài tập như đội hình hàng xếp cọc, vượt địa hình, chạy chữ J-Z... được tập luyện thường xuyên” - trung tá Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Ngoài phương án được chọn, trong trường hợp có sự thay đổi vì một nguyên nhân nào đó thì sẽ chuyển từ phương án A về phương án dự phòng và tất cả đều đã sẵn sàng vì được tập luyện từ trước. Theo trung tá Hải, phong cách làm việc của mật vụ Mỹ rất chuyên nghiệp và kinh nghiệm nên phía đoàn cũng cảm thấy yên tâm. “Với một số chiến sĩ trẻ có thể hồi hộp, còn tôi thì không vì có tuổi quân 40 năm và đã dẫn đoàn cho 4 đời tổng thống Mỹ.
Tuy vậy, tôi không cho phép mình lơ là từ những việc nhỏ nhất như lộ trình, quần áo, tư trang...” - người dẫn đoàn đầy kinh nghiệm nói. Trung tá Nguyễn Văn Hải cho biết mỗi đoàn nguyên thủ đến Việt Nam có lối dẫn đường khác nhau. Riêng phía Mỹ đặt nghi lễ ít, cái họ cần là phạm vi tầm soát nhiều hơn. Họ yêu cầu CSGT đi trước mở đường và tạo hình ảnh đẹp, còn phía sau và hai bên xe tổng thống là xe đặc chủng của Mỹ lên xuống liên tục.
Đội xe “khủng”
Trong đợt dẫn đoàn của Tổng thống Obama vừa qua, đội tuần tra dẫn đoàn đã sử dụng tất cả 60 xe phân phối lớn, trong đó có những xe đặc chủng dung tích đến 1.500 cc, 900 cc, 850 cc, 750 cc với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ. Thông thường, xe nào có phân khối lớn, hình dáng đồ sộ thì đi đầu, tượng trưng cho sự uy nghi, trân trọng đối với nguyên thủ. “Lần dẫn đường cho Tổng thống George H.W.Bush (Bush cha), đội sử dụng 4 loại xe phân khối 1.500 cc, 900 cc, 850 cc, 750 cc. Đợt này, riêng Tổng thống Obama là 18 xe các loại” - trung tá Hải thông tin.
Trung tá Hải cho biết so với các lần trước, lần này lịch trình của đoàn Tổng thống Obama không thay đổi, trên đường đi không xảy ra sự cố nào, tất cả đều nằm trong kế hoạch. Tuy nhiên, tốc độ cao nhất của đoàn chỉ đạt 60 km/giờ vì tổng thống muốn ngắm đường phố
TP HCM và thể hiện tình cảm với người dân. “Để được là thành viên trong đội tuần tra dẫn đoàn cho các nguyên thủ quốc gia, đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong đó, phải được đào tạo kỹ lưỡng, có ngoại hình tốt, kỹ thuật chạy xe, sử dụng vũ khí và võ thuật thành thạo… Trong năm 2015, đội đã dẫn hơn 300 đoàn, riêng 6 tháng đầu năm 2016 dẫn gần 200 đoàn” - trung tá Hải tự hào.
Hai lần đổi phương án
Nhắc lại kỷ niệm sau mỗi lần dẫn đoàn cho 4 đời tổng thống Mỹ, trung tá Nguyễn Văn Hải cho biết trong lần dẫn đoàn của Tổng thống Bill Clinton vào tháng 11-2000, đội phải dùng đến phương án hai vì trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, ông Clinton muốn ăn phở. Ngay lập tức, mật vụ Mỹ yêu cầu chuyển hướng từ đường Pasteur sang đường Điện Biên Phủ. Sau khi ăn phở xong, đoàn mới rẽ về đường Võ Thị Sáu rồi Nam Kỳ Khởi Nghĩa để ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn Tổng thống George W.Bush vào năm 2006 thì theo lịch trình sẽ từ sân bay Tân Sơn Nhất về thẳng khách sạn New World (quận 1). Thế nhưng, trên đường đi, ông nhận được lời mời của thủ tướng Úc, ngay lập tức đội phải thay đổi phương án để dẫn đoàn về một quán ăn trên đường Hai Bà Trưng. “Cứ mỗi lần thay đổi phương án, tôi phải báo cáo về sở chỉ huy để xin ý kiến, sau khi được đồng ý mới triển khai” - trung tá Hải kể.