Cần tiêu chí để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc "vì lợi nhuận hợp lý"

Cần tiêu chí để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc "vì lợi nhuận hợp lý"

Theo Báo cáo về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học của Chính phủ, việc thành lập các trường đại học, cao đẳng trong thời gian qua đã tuân thủ theo đúng quy định. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các trường sau khi được thành lập đều hoạt động đúng mục tiêu, đúng sứ mạng, tôn chỉ mục đích; trong các lĩnh vực tuyển sinh, đào tạo, chưa xảy ra những sai sót đáng tiếc; không có tình trạng xin đất sau đó chuyển đổi mục đích, không có việc đào tạo không đúng mục tiêu hoặc đào tạo không đúng chương trình, không được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Chính phủ cần ban hành các tiêu chí xác định trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận“ và “vì lợi nhuận hợp lý“ để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường (ảnh minh họa).
Chính phủ cần ban hành các tiêu chí xác định trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận“ và “vì lợi nhuận hợp lý“ để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường (ảnh minh họa).

Về công tác thẩm định chất lượng thành lập trường, Báo cáo cho rằng, khi xem xét các đề án thành lập trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như­­ các Bộ hữu quan tham gia Hội đồng thẩm định (Bộ Kế hoạch Đầu t­­ư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) luôn chú trọng đến tiêu chí, điều kiện thành lập trường, như­­: cơ sở vật chất (diện tích đất được quy hoạch để xây dựng trường, phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, th­­ư viện và các trang thiết bị), đội ngũ giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, cán bộ quản lý, ngành nghề, quy mô đào tạo, kế hoạch xây dựng và phát triển trường, khả năng tài chính xây dựng trường...

Về phương thức thành lập trường, Báo cáo nhận định, việc thành lập trường hiện nay thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau: nâng cấp (nâng cấp từ trường trung cấp lên trường cao đẳng hoặc từ trường cao đẳng lên trường đại học); thành lập các trường đại học từ các khoa trực thuộc của các đại học và thành lập mới hoàn toàn.

Từ năm 1998 - 2009 số trường đại học và cao đẳng thành lập mới và nâng cấp là 227 trường, trong đó, 25 trường đại học thành lập mới, chiếm 11,0%; 60 trường cao đẳng, khoa trực thuộc các đại học được nâng cấp lên đại học, chiếm 26%; 24 trường cao đẳng thành lập mới, chiếm 11%; 118 trường trung cấp được nâng cấp lên cao đẳng, chiếm 52%.

Như vậy, số trường đại học, cao đẳng được thành lập mới hoàn toàn là 49 trường, chiếm gần 22% số trường nâng cấp từ các trường cao đẳng, các khoa và trường trung cấp là 178 trường, chiếm hơn 78%.

Trong giai đoạn từ 2005 đến nay, số trường đại học, cao đẳng tư thục được thành lập nhiều hơn hẳn giai đoạn 1998 - 2005 vì đã có Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục (Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/01/2005), trong đó quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thành lập trường đại học tư thục, làm rõ việc tổ chức và nhân sự, chế độ tài chính và quyền sở hữu tài sản trong việc thành lập trường đại học tư thục và đã giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thụ lý giải quyết các hồ sơ thành lập trường đã tồn đọng từ những năm 2000.

Về vấn đề này, Dự thảo Báo cáo giám của QH cho rằng, việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ nói chung phù hợp với định hướng quy hoạch, góp phần phát triển nhanh quy mô GDĐH.

Trong hơn 10 năm qua, hệ thống GDĐH đã phát triển rộng khắp cả nước với sự đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, với số SV, số ngành đào tạo, số trường không ngừng tăng, cung cấp nguồn lao động có trình độ CĐ, ĐH, sau đại học (SĐH) phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ đã chú ý đến cơ cấu vùng miền và tạo điều kiện cho các đối tượng ở địa bàn khó khăn. Số lượng trường ĐH, CĐ ở các vùng khó khăn đã được tăng lên, tạo điều kiện cho con em các tầng lớp nhân dân địa phương, con em người nghèo, miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với GDĐH.

Cụ thể, trong giai đoạn 1998-2009, khu vực Tây Bắc có 8 trường ĐH, CĐ được thành lập (trong đó, thành lập mới 1 trường và nâng cấp 7 trường); khu vực Bắc Trung Bộ có 20 trường được thành lập (trong đó, thành lập mới 2 trường và nâng cấp 18 trường); vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thành lập 41 trường (trong đó, thành lập mới 13 trường và nâng cấp 28 trường) và Đồng bằng sông Cửu Long có thêm 31 trường (6 trường thành lập mới và 25 trường được nâng cấp).

Số con em diện chính sách, miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa được thu hút ngày càng đông vào các trường ĐH, CĐ. Bình quân 5 năm, từ năm 2004 đến 2008, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy có hộ khẩu thường trú tại vùng cao miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 26,29%, số SV là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 4,71%, số SV từ khu vực nông thôn và miền núi là 64,5% và số SV nữ là 51,6% so với tổng số SV trúng tuyển.

Báo cáo còn cho rằng, phần lớn các trường mới được thành lập đều cố gắng thực hiện những cam kết trong đề án thành lập trường.

Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo giám sát của QH cũng cho rằng, việc triển khai quy hoạch mạng lưới chưa đảm bảo đầy đủ các yêu cầu. Việc phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch giữa các cơ quan trung ương và với địa phương còn hạn chế; đồng thời, chưa tổng kết, đánh giá theo từng giai đoạn 2-3 năm cũng như đánh giá việc thực hiện các nội dung, tiêu chí nêu trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2001-2010 (trong đó có một số tiêu chí không thực hiện được và không khả thi) mà đã ban hành Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 (trong đó có những tiêu chí được nêu ra ở mức quá cao, không sát với tình hình thực tế ở nước ta). Chính vì vậy, các trường ĐH, CĐ nói chung cũng như số trường mới được thành lập, nâng cấp vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố trực thuộc trung ương; quy mô đào tạo GDĐH dù đã được điểu chỉnh theo hướng tích cực hơn từ vài năm nay nhưng vẫn còn mất cân đối (quy mô ĐH chiếm 72,3% còn bậc CĐ chỉ chiếm 27,7%); cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý : các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, pháp lý, khoa học xã hội nhân văn chiếm 38%; nhóm ngành sư phạm chiếm 20%; nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ là 21%; ngành nông – lâm là 8%; các ngành khoa học tự nhiên chỉ chiếm có 2% trong tổng quy mô đào tạo.

Dự thảo Báo cáo cũng cho rằng, việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo...

Dự thảo Báo cáo Giám sát của QH cũng đề nghị QH sớm cho xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống GDĐH; đề nghị QH cho chủ trương để sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong các bộ luật khác có liên quan tới giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng (Luật Đất đai, Luật thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...) nhằm tạo điều kiện cho GDĐH phát triển nhanh và bền vững, đưa công tác xã hội hóa sự nghiệp giáo dục đạt những thành tựu lớn hơn.

Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về GDĐH sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GDĐH trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Báo cáo giám sát của QH cũng đề nghị Chính phủ ban hành các tiêu chí xác định trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận“ và “vì lợi nhuận hợp lý“ để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường nói trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách đầu tư ngân sách nhà nước có trọng điểm theo kế hoạch trung và dài hạn để hình thành một số trường ĐH có chất lượng đào tạo cao nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng; xác định lộ trình thực hiện chế độ thu và sử dụng học phí mới đối với các trường công lập theo hướng: học phí cùng với kinh phí do Nhà nước cấp đủ bù đắp chi phí đào tạo, phù hợp với từng ngành đào tạo và tương xứng với chất lượng đào tạo; đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí đào tạo sau đại học cho các cơ sở GDĐH theo hướng tính đủ cả chi phí tiền lương và các chi phí hoạt động thường xuyên khác; hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở GDĐH; bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế đối với việc chuyển giao khoa học - công nghệ của các cơ sở GDĐH.

Trong việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng đào tạo, đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn; chỉ mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo; rà soát lại các tiêu chí hợp lý làm căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh sát với năng lực đào tạo của mình; hạn chế mở rộng quy mô đào tạo không chính quy; đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ và công khai kết quả kiểm định, làm cơ sở để phân loại chất lượng các trường; tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm nay vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng. Chính phủ cũng cần báo cáo với Quốc hội về chủ trương phát triển, lộ trình đầu tư, lộ trình hoạt động và triển vọng tác động tích cực vào nền GDĐH Việt Nam của các trường “ĐH xuất sắc” liên kết giữa Chính phủ ta với các Chính phủ CHLB Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản và Hoa Kỳ. 

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu đổi mới cơ chế, tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH tăng cường hoạt động và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Xuất phát từ quy định cơ sở GDĐH có hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học với tỷ lệ thời gian là 2:1, bên cạnh việc giao kinh phí theo đề tài, dự án như quy định hiện hành, cần thực hiện phân bổ kinh phí hoạt động khoa học thường xuyên cho cơ sở GDĐH theo số lượng và trình độ của GV với định mức bằng 1/3 định mức kinh phí giao theo số lượng và trình độ cán bộ nghiên cứu cho các viện nghiên cứu; bổ sung hoàn thiện chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế đối với việc chuyển giao ứng dụng KHCN của các cơ sở GDĐH; đổi mới việc giao kinh phí đề tài, dự án KHCN cho cơ sở GDĐH theo hướng tính đủ cả chi phí tiền lương và các chi phí hoạt động thường xuyên khác, không tính vào kinh phí đào tạo ĐH của các cơ sở GDĐH như hiện nay; khôi phục biên chế nghiên cứu khoa học (nghiên cứu viên) cho các trường ĐH như trước những năm 1990.

Trong công tác quản lý, đề nghị Chính phủ đổi mới căn bản và toàn diện quản lý GDĐH: từng bước giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các trường; tăng cường trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở GDĐH; Bộ GD&ĐT làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình, không làm thay công việc của các trường ĐH, CĐ.

Trước mắt, đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đối với các trường ĐH, CĐ; quy định rõ mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ban, ngành liên quan trong quản lý GDĐH; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý ngành đối với các trường thuộc lĩnh vực chuyên môn do bộ quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ quản trường ĐH, CĐ.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho cho các cơ sở GDĐH tại các địa phương, tạo điều kiện cho các trường xây dựng cơ sở vật chất.

Đối với những thành phố lớn tập trung nhiều trường ĐH, CĐ, cần có quy hoạch các khu ĐH, ký túc xá SV phù hợp với quy hoạch chung và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ