Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có hơn 100 cơ sở bức xạ, bao gồm 80 cơ sở X-quang y tế và 20 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ.
Bên cạnh những lợi ích và hiệu quả của ứng dụng năng lượng hạt nhân mang lại, chúng ta cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức liên quan đến an toàn bức xạ. Việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết và quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố an toàn bức xạ xảy ra, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ KH&CN) xây dựng phương án và kịch bản diễn tập.
UBND TP giao Sở KH&CN phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Phòng Hóa học - Bộ tham mưu (Quân khu 9); Công an thành phố; Bệnh viện Ung bướu thành phố và các Sở, ngành có liên quan tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố năm 2024.
Tại buổi diễn tập, các lực lượng chức năng đã tập trung vào thực hành các kỹ năng kiểm soát nhiễm bẩn phóng xạ, phân vùng phóng xạ, xử lý nhiễm bẩn nguồn phóng xạ ngoài hiện trường; tiếp cận và sử dụng hiệu quả các thiết bị chuyên dụng trong công tác ứng phó.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đây là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ sở bức xạ và người dân về các tình huống sự cố bức xạ có thể xảy ra.