(GD&TĐ)- Hầu hết các kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của các trường học hiện nay chủ yếu thiên về các phương án bảo quản tài sản, bảo đảm an toàn cho thiết bị đồ dùng dạy - học, hệ thống máy vi tính… Không phải trường học nào cũng chú trọng việc hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai.
Dạy trẻ tập bơi tại ĐBSCL. ảnh Internet |
Diễn tập phòng ngừa thảm họa cho học sinh được xem là một hoạt động thường niên của trường Tiểu học Lê Văn Tám (H.Thăng Bình, Quảng Nam) nhằm trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng ứng phó với các thảm họa mà các em HS có thể gặp phải trong cuộc sống. Mới đây nhất, nhà trường vừa tổ chức diễn tập phòng ngừa thảm họa cho học sinh các khối lớp 4 và 5 của trường với sự tham gia của hơn 500 học sinh và phụ huynh.
Thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian cho các em như “đua thuyền trên cạn”, “đập niêu đất”, “cưỡi ngựa thổi kèn”, nhà trường lồng ghép các tình huống giả định trong quá trình chơi các em không may mắc phải các chấn thương ở tay, chân và đầu. Trong trường hợp đó, các thành viên đội cứu hộ sẽ tiến hành thao tác sơ cấp cứu cần thiết cho người bị nạn rồi đưa đến bệnh viện. Ngoài ra, thông qua trò chơi Rung chuông vàng, các em có dịp ôn lại kiến thức về phòng ngừa thảm họa đã được học.
Ở một “sự kiện” khác, trong đợt Tổng diễn tập Ứng phó với sóng thần và tìm kiếm cứu nạn”, GV và HS trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tham gia một phần trong tình huống giả định. Theo tình huống giả định thì 8 giờ 5 ngày 18.10.2011, một trận động đất mạnh 8,8 độ Richter tại khu vực phía tây đảo Luzông (Philippines) đã gây sóng thần lan tỏa đến biển Đông, dự kiến 2,5 đến 3 giờ sau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, TP duyên hải miền Trung. Trong đó, TP Đà Nẵng, đô thị lớn nhất vùng, với đặc tính địa lý có đường chiều dài bờ biển khoảng 95km, diện tích mặt biển hơn 22.500km2, được dự báo sẽ có những đợt sóng cao đến 6m (tương đương với tòa nhà 2 tầng), đi sâu vào đất liền hơn 600m, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Đối mặt với thảm họa, TP phải sơ tán khẩn cấp hơn 27.000 hộ dân với 133.500 nhân khẩu thuộc 20 phường của 5 quận ven biển, trong đó có hơn 26.000 trẻ em và gần 11.200 người già. Ngoài ra, còn khoảng 6.500 khách du lịch, 75 tàu thuyền với gần 1.000 lao động đang hoạt động và hơn 450 tàu thuyền đang neo đậu gần bờ cần sơ tán. Tại khu vực P. Thọ Quang (địa điểm diễn tập) lúc này có 12 tổ dân phố sống dọc ven biển với hơn 1.000 người sinh hoạt tại nhà. Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh có 3 lớp, hơn 100 học sinh và thầy cô đang dạy học.
Dọc bờ biển phía đông P. Thọ Quang có hơn 3.500 người dân địa phương và du khách đang tắm biển, vui chơi. Cách bờ biển 5-15km có 45 thuyền đánh cá (270 ngư dân) đang lao động. Quá trình sơ tán vào bờ, có 4 tàu cần giúp đỡ khẩn cấp, trong đó 2 tàu với 10 lao động bị hỏng máy, 1 chiếc bị va đập vào đá có nguy cơ chìm... Quá trình tham gia diễn tập đã giúp GV và HS nhà trường hình thành kỹ năng sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm, ứng phó với các tình huống thiên tai khẩn cấp.
Tại Quảng Ngãi, trong khoảng 3 năm, từ 2003 - 2006, trong khuôn khổ của dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Chính phủ Úc tài trợ, các GV và HS đã được trang bị những kỹ năng và kiến thức phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai gây ra quanh khu vực sông Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Bồng. Dự án được triển khai tại 101 trường tiểu học, 99 trường mẫu giáo thuộc bốn huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, và TP Quảng Ngãi.
Kết thúc dự án, về phía ngành giáo dục, các GV ở những xã dễ bị tổn thương bởi thiên tai lũ lụt có thể dạy tốt các kiến thức về phòng ngừa thiên tai; tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa hoặc lồng ghép chủ đề phòng ngừa thiên tai vào chương trình chính khóa của trường.
Một điều rất dễ nhận thấy là những hoạt động nổi bật về hướng dẫn học sinh ứng phó các tình huống thiên tai trên đây, ngoài trường hợp của trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh, còn lại đều là những nơi hưởng thụ từ các dự án của một số tổ chức quốc tế. Ngay như trang bị cho học sinh kỹ năng an toàn dưới nước, hiện nay, không phải trường học nào cũng có điều kiện để triển khai. Trong khi, việc trang bị cho HS phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai thì ngoài kiến thức còn phải có những hoạt động thực tiễn để giúp các em hình thành những kỹ năng cần thiết.
Hà Nguyên