(GD&TĐ) - Nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, ứng dụng Khoa học Công nghệ vào sản xuất tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung, sáng nay (28-3), tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) Câu lạc Bộ Khoa học-Công nghệ (KHCN) các trường ĐH Kỹ thuật đã khai mạc Hội thảo khoa học kỹ thuật lần thứ 42. Tham dự Hội thảo ngoài đại diện 21 trường thành viên trong CLB, lãnh đạo các Sở, ban ngành còn có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD & ĐT- PGS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ KHCN- ông Nghiêm Vũ Khải.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Nội dung Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về KHCN xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại địa phương, trong đó chủ yếu đề cập đến các nội dung như nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, dược liệu, môi trường và năng lượng. Đặc biệt, tại Hội thảo ngoài các báo cáo tham luận về các ứng dụng, công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao vào đời sống sản xuất của người nông dân tại tỉnh Tây Nguyên, Hội thảo còn hướng đến sự kiểm soát tác động của các ứng dụng KHCN tới môi trường, đề xuất các giải pháp kiểm soát, nghiên cứu tai biến địa chất trong quá trình khai thác khai khoáng hay khả năng sử dụng công nghệ sinh thái trong việc cải thiện ô nhiễm môi trường tại các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, nghiên cứu của GS.TS Lê Chí Hiệp-Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh (Nghiên cứu sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo ở Việt Nam - một số đề xuất cho khu vực Tây Nguyên), TS Lê Vũ Quân - trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (Nghiên cứu Giới thiệu hệ thống mát để cơ giới hóa canh tác và thu hoạch sắn), TS Phạm Ngọc-ĐH Thủy Lợi (Nghiên cứu, Khả năng sử dụng công nghệ sinh thái trong việc cải thiện ô nhiễm nguồn nước mặt tại các đô thị Việt Nam).
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý tại Hội thảo |
Theo chủ nhiệm CLB các trường ĐH kỹ thuật, trong suốt thời gian qua, để thực hiện các mục tiêu hiện đại hóa nền nông nghiệp, đẩy mạnh các ứng dụng KHCN vào sản xuất, CLB đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp, hợp tác với các địa phương trong cả nước để tổ chức các hội thảo khoa học nhằm trao đổi các thông tin khoa học và công nghệ của các trường thành viên, giới thiệu kết quả nghiên cứu của các trường trong CLB và nắm bắt thông tin, thu nhận đặt hàng nghiên cứu từ các địa phương, doanh nghiệp để hình thành và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS Trần Quang Quý nhận định: Vùng Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất khác biệt với các vùng miền khác trong cả nước. Đây là khu vực có vị trí quan trọng đặc biệt về an ninh, quốc phòng và xây dựng kinh tế. Vì vậy sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội khu vực này là vô cùng quan trọng và cần thiết. Để thực hiện và đẩy nhanh mục tiêu đó, đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến đầu tư cho giáo dục và đào tạo, KH và CN. Việc các trường ĐH Kỹ thuật có được một CLB KHCN ( đã hình thành 20 năm) để cùng nhau phát triển, nghiên cứu và đưa ứng dụng KHCN vào sản xuất là rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, gắn chặt hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ với nhiệm vụ đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực cho địa phương.
|
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo |
Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quang Quý đề nghị các Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực, các trường ĐH trong CLB, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến 3 nhiệm vụ chính.
Một là, tiếp tục coi NCKH, chuyển giao công nghệ và đào tạo là một trong hai nhiệm vụ then chốt có gắn bó hữu cơ trong chiến lược phát triển của nhà trường theo định hướng xây dựng các trường ĐH nghiên cứu. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ phục vụ trực tiếp cho phát triển các tỉnh trong vùng. Đồng thời phải gắn với nhiệm vụ đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực tại địa phương, quan tâm tuyển chọn các học sinh xuất sắc trong nghiên cứu khoa học vào các trường để đào tạo nguồn cán bộ NCKH cho tương lai. Kết nạp thêm thành viên mới vào CLB để tiếp tục nâng cao chất lượng, hoạt động của CLB.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp “ba nhà”, giữa các nhà trường, nhà khoa học dưới sự bảo trợ của nhà nước và các bộ, ngành-với địa phương là các tỉnh vùng Tây Nguyên-với các doanh nghiệp và cả người nông dân trong đầu tư NCKH và chuyển giao các thành tựu KHCN cho địa phương. Sự kết hợp này, theo Thứ trưởng sẽ tạo thành sức mạnh đẩy nhanh tốc độ và đảm bảo chất lượng các đề tài, dự án và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên, phục vụ lợi ích của chính Doanh nghiệp và bà con nông dân.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội thảo |
Cuối cùng, Thứ trưởng Quý cho rằng bản thân các trường trong CLB cần tiếp tục tăng cường sự hợp tác để tạo lập những nhóm nghiên cứu mạnh, giải quyết được những chủ đề khoa học lớn, có tính ứng dụng cao và hiệu quả. Xây dựng các chương trình KHCN, báo cáo Bộ GD-ĐT và Bộ KHCN nghiên cứu đưa vào chương trình chung để triển khai, kết hợp các nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương, doanh nghiệp và xã hội; Tham gia đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật KHCN. Đặc biệt, do CLB tập trung được nhiều trường ĐH mạnh hàng đầu cả nước về KHCN nên cần thúc đẩy các nhà khoa học tăng cường đầu tư nghiên cứu hơn nữa, bám sát đòi hỏi thực tế của các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Miền trung để từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm nghiên cứu để có thể sớm chuyển giao kết quả đến các nhà quản lý, các doanh nghiệp và bà con nông dân.
|
Thứ trưởng Trần Quang Quý tặng hoa cho những người có đóng góp cho công tác NCKH và thành lập CLB KHCN các trường ĐH Kỹ Thuật |
Anh Tú