Cũng như nhiều ngư dân ở các vùng quê ven biển, anh Phan Văn Chinh - 47 tuổi, ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) - sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghề đánh bắt cá, tôm từ bao đời.
Năm 17 tuổi, trong một lần theo cha bủa lưới, giăng câu đánh bắt cá, tôm ở gần bờ, anh Chinh “bén duyên” với nghề truyền thống cha ông. Những lần đầu ra khơi chưa quen sóng gió nên anh say sóng triền miên. Bù lại là những mẻ lưới, khoang thuyền đầy ắp cá, nụ cười vẫn luôn rạng ngời trên khuôn mặt ngư dân mới tập tễnh vào nghề.
Theo ngư dân Chinh thì số lần vươn đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chưa nhiều vì tàu có quy mô, công suất chưa thật sự đảm bảo.
Nhiều chuyến vươn khơi chở về hàng chục tấn hải sản, có chuyến đến 40-50 tấn cá. Mỗi năm gặp “mưa thuận gió hòa” tàu có thể vươn khơi 8-10 chuyến. Mỗi chuyến thu về từ trăm triệu đến gần nửa tỷ đồng” - anh Chinh tâm sự.
Gần hai mươi năm gắn bó với chiếc tàu xa bờ, anh Chinh không chỉ trả hết nợ vay sắm tàu mà còn trở thành tỷ phú ở vùng biển Thuận An. Trong khi nhiều ngư dân đang gặp khó về vốn tự có để được vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 tàu thì anh Phan Văn Chinh lại dễ dàng được ngân hàng “gật đầu” cho vay.
“Cũng nhờ dành dụm nhiều năm nay từ nghề biển mới có cơ hội vay vốn đóng mới chiếc tàu công suất lớn 700CV như bây giờ. Muốn vay được vốn theo Nghị định 67 buộc phải có khoảng 30% vốn tự có. Chiếc tàu đang đóng mới trị giá trên 7 tỷ đồng, tất nhiên phải có 2,3 tỷ mới được vay...”, anh Chinh bộc bạch.
Chiếc tàu được đóng gần hai tháng nay với khối lượng gần 100m3 gỗ kiền, dài 22 mét, trở thành chiếc tàu “67” công suất lớn bằng vỏ gỗ đầu tiên không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà của cả nước.
Ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH tàu thuyền Thuận An khẳng định, chiếc tàu đang được công ty huy động toàn lực để đẩy nhanh tiến độ. Hơn hai tháng nữa tàu sẽ hoàn thành, kịp cho chuyến xông biển đầu năm theo kế hoạch của ngư dân Phan Văn Chinh.