Cán bộ, công chức có nên sử dụng mạng xã hội?

GD&TĐ - Sau việc Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, Bình Thuận dùng facebook kêu gọi người dân tránh bị xúi giục, kích động tụ tập, gây rối, đến lượt thượng tá Trần Long Khánh - Trưởng Công an huyện này cũng đăng bức thư cảm ơn người dân trên trang facebook cá nhân. Việc làm này của 2 ông nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, dư luận xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đa số ý kiến người dân đồng tình, ủng hộ với việc cán bộ, công chức dùng mạng xã hội (MXH) để tương tác, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân. Điều này góp phần giải quyết công việc tốt công việc hiệu quả hơn, nhất là những việc khẩn cấp, cần thông tin nhanh, chính xác. Trước đây cũng có cán bộ ở trung ương và một số địa phương cũng sử dụng MXH để tiếp nhận thông tin nhưng còn rất hạn chế, dè dặt!

Ở các nước trên thế giới như Mỹ, Singapo, Campuchia… thì việc lãnh đạo dùng MXH để tương tác, trao đối với người dân là rất bình thường, mang lại những hiệu quả rất lớn. Các cơ quan nhà nước việc sử dụng MXH như một kênh thông tin chính thống cũng rất khá phổ biến ở nhiều nước.

Có thể khẳng định rằng MXH có những ưu thế vượt trội, đặc biệt mà các kênh thông tin khác không có được. Vì thế, cơ quan nhà nước, can bộ, công chức, nhất là những người giữ các vị trí, chức vụ quan trọng sử dụng MXH phục vụ quản lý, điều hành là rất cần thiết, nên làm.

Hiện nay, MXH được rất nhiều người dùng, theo thống kê có hơn 45 triệu người trên 90 triệu người ở nước ta sử dụng MXH. Vì thế, nếu phổ biến các chủ trương, chính sách thông qua MXH sẽ rất nhanh chóng, hiệu quả vì mọi người dễ dàng tiếp cận, chia sẽ thông tin cho nhau. Ngược lại, cán bộ, công chức cũng nhanh chóng nắm bắt được thông tin phản hồi từ người dân để chấn chỉnh, sửa đổi những chính sách chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện giới trẻ đang chiếm một bộ phận lớn dân cư nhưng họ ít xem thời sự, ít tham gia hội họp hoặc tham gia các sự kiện chính trị - xã hội so với các lứa tuổi khác. Tuy vậy, giới trẻ lại thông thạo về công nghệ thông tin và rất thích tham gia MXH. Do đó, dùng MXH để tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ rất hiệu quả.

Ví dụ, các vụ tụ tập, kích động ở Bình Thuận, TP.HCM vừa qua có thể đã “giảm nhiệt” sớm nếu các bạn trẻ nhận được thông điệp chính xác, kịp thời từ những người có trách nhiệm thông qua MXH.

MXH có lợi thế là có thể tương tác, trao đổi tranh luận giữa cơ quan chức năng, cán bộ, công chức với người dân, từ đó giúp mọi người hiểu nhau, gần nhau hơn. Tránh được tình trạng thông tin một chiều, không có cơ hội giải thích khi người tiếp nhận thông tin hiểu sai, chưa đúng vấn đề. Ngoài ra, MXH còn tạo sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức với người dân.

Điều này không những góp phần thúc đẩy sự minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực mà còn giúp người dân thực hiện tốt hơn quyền của mình trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước.

Vì vậy, cán bộ, công chức tham gia MXH để trao đổi, giải quyết công việc cho người dân là rất cần thiết. Cơ quan chức năng nên có cơ chế khuyến khích, vận động cán bộ, công chức tương tác, trao đổi với người dân thông qua MXH.               

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ