Được chắp bút bởi Aleksandr Grin - tác giả có quãng đời đầy bão tố, chông gai nhưng “Cánh buồm đỏ thắm” cùng hình ảnh chiếc tàu “Bí mật” vẫn tỏa sáng, đem năng lượng tích cực đến bao thế hệ độc giả trong suốt gần thế kỉ qua bởi thông điệp: Hãy sống hết mình, sống thật ý nghĩa.
Cùng bước lên con tàu mang cánh buồm màu lửa và khám phá tác phẩm được K. Paustovsky đánh giá là “một bài thơ bằng văn xuôi”. Hình ảnh đầu tiên “Cánh buồm đỏ thắm” chào đón độc giả luôn là hình vẽ con tàu lênh đênh trên biển khơi mênh mang sóng nước với tông màu đen trắng.
Đây sẽ chỉ là con tàu bình thường nếu không nổi bật lên tông màu có phần đơn điệu ấy là cánh buồm mang màu đỏ thắm - màu của lửa, của hy vọng, của tình yêu thương.
Dường như, hình ảnh này đã khắc họa xuất sắc tinh thần và chủ đề của câu chuyện mà Aleksandr Grin muốn truyền tải đến người đọc. Có lẽ cũng vì thế mà xuyên suốt gần 100 năm sau, con thuyền “Bí mật” màu đỏ thắm vẫn luôn xuất hiện một cách nổi bật trên bìa sách ở mọi phiên bản của từng quốc gia.
Hoàn cảnh đối lập
Aleksandr Grin sinh trưởng trong gia đình nghèo khó và có một tuổi thơ “trôi qua giữa những lời mắng mỏ chì chiết của cha”. Cuộc đời ông thì “xủng xẻng những xu hào” (theo lời giới thiệu của dịch giả Phan Hồng Giang).
Tuy vậy, qua tác phẩm “Cánh buồm đỏ thắm” có thể thấy Grin đã vượt qua tất cả những khó khăn, nghịch cảnh thậm chí là bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống với một tâm hồn cao đẹp, nhân ái.
Câu chuyện trong “Cánh buồm đỏ thắm” xoay quanh hai nhân vật A-xôn và Gray. Ngay từ đầu tác phẩm, Aleksandr Grin đã xây bức tường khổng lồ giữa A-xôn và Gray khi tạo ra hai hoàn cảnh xuất thân trái ngược, đối lập, hoàn toàn khác biệt.
Nếu như A-xôn là một cô bé, là con gái của một gia đình nghèo khó thì cậu bé Gray lại được “sinh ra từ vạch đích”. Bởi lẽ, ngay khi cất tiếng khóc chào đời, cậu đã được bao bọc bằng lụa là, gấm vóc.
Câu chuyện của A-xôn mở ra thật giản dị với đôi dòng miêu tả về bố cô - ông Longren “là một thủy thủ của con tàu Orion chở được ba trăm tấn” và đã “làm việc trên con tàu đó mười năm”, tuy vậy “anh cũng phải rời bỏ con tàu”. Ông có người vợ tên là Meri - nhưng bà đã mất sớm vì viêm phổi nặng.
Nguyên do sự ra đi của bà Meri bắt đầu từ việc bà phải bất đắc dĩ đi cầm chiếc nhẫn cưới để lo bữa cơm, manh áo cho con trong một buổi tối “vừa rét, vừa có gió thổi”, “lất phất mưa” có vẻ như “sắp mưa to”.
Điều đáng buồn là mẹ của A-xôn sẽ không bị viêm phổi và qua đời nếu tên chủ quán Menec giúp đỡ và không đưa ra điều kiện “đồng ý đưa tiền cho chị, nhưng đòi chị phải yêu hắn”. Bà Meri đã cương quyết từ chối, “vừa khóc vừa buồn bã” và quyết định đội mưa ra đi.
Những trang truyện này thật buồn, nhưng phản ánh rõ nét hiện thực xã hội lúc bấy giờ: Sự bắt nạt và ức hiếp, chà đạp lên cả nhân phẩm của người nghèo. Dẫu vậy, lòng tự trọng của người nghèo như mẹ A-xôn sẽ không bao giờ để bọn chúng coi thường nên bà kháng cự đến cùng, thậm chí phải sớm từ giã cõi đời...
Trong hoàn cảnh ấy, ông Longren cũng không đánh đổi tất cả cho số phận, nhất là cô con gái A-xôn. Bởi vậy, sau khi người vợ của mình đi xa, ông “đi lên phố, xin thôi việc, từ biệt bạn bè rồi trở về nhà nuôi nấng bé A-xôn” bằng cách “bày bán những đồ chơi do chính bàn tay anh khéo léo làm ra”.
Tuy vậy, do câu chuyện Longren không cứu Menec khi lão ngã xuống biển để trả thù cho vợ mình đã khiến cho mọi người xa lánh cả hai bố con. Thậm chí A-xôn còn bị mọi người ruồng bỏ, gọi là “dở hơi”, ngoại trừ bác bán than tốt bụng hay cho cô đi nhờ xe.
Dù sớm mồ côi mẹ và phải sống trong hoàn cảnh nghèo khổ, vất vả nhưng A-xôn được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của cha với những bài ca thủy thủ và các món đồ chơi ngộ nghĩnh do chính bố Longren làm ra.
A-xôn đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp nhưng cô đơn khi chỉ có thể làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ.
Trái lại, Gray sinh trưởng trong một gia đình quý tộc: “Cha mẹ Gray là những kẻ kênh kiệu, bị cầm tù bởi địa vị giàu sang và những luật lệ của cái xã hội đã sinh ra chính họ”. Gray sống trong một tòa lâu đài có “những loài hoa tulip đẹp nhất”, “những cây cổ thụ trong vườn như đang mơ màng ngủ dưới ánh sáng lờ mờ bên dòng suối quanh co mọc đầy cỏ lác”.
Tuy nhiên, “Arthur Gray sinh ra là một đứa trẻ có tâm hồn nồng nhiệt”, điều này được thể hiện qua hành động của cậu hồi lên 8 không quan tâm đến giá trị bức tranh của một họa sĩ nổi tiếng mà lấy sơn che đi những cái đinh như một cách “nhổ những cái đinh ra khỏi cánh tay đầy máu của Chúa”.
Năm mười lăm tuổi, được truyền cảm hứng từ bức tranh trong thư viện, Gray bỏ nhà ra đi “để bước qua cánh cửa vàng của biển” gia nhập con tàu Axem.
Từ đây, Gray đã từng bước khẳng định bản thân trên biển cả để trở thành một thủy thủ lão luyện, sau đó trở thành thuyền trưởng của con tàu “Bí mật”. Anh luôn là người đem lại niềm vui, niềm tin cho người khác bằng cách san sẻ tình yêu đời của mình cho mọi người.
Cho dù có phiêu lưu năm châu bốn bể đi chăng nữa thì “anh mãi mãi ghi nhớ tiếng cười yêu thương của mẹ khi gặp anh và năm nào anh cũng về thăm nhà đôi ba lần, đem lại cho người mẹ già tóc bạc niềm tin mơ hồ rằng cậu con trai to lớn kia chắc đã điều khiển được những thứ “đồ chơi” của mình”.
Có thể thấy, dù bức tường về hoàn cảnh xuất thân của các nhân vật được tác giả dựng lên đầy khắc nghiệt, chông gai nhưng ở đó luôn lấp lánh nghị lực vươn lên cùng tình yêu, niềm tin vào cuộc sống tương lai.
Cổ tích giữa đời thường
Ở “Cánh buồm đỏ thắm”, nhà văn đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Câu chuyện ấy được bắt đầu từ những mộng mơ của cô bé A-xôn.
“Thật khó hiểu là bằng cách nào mà con người u uất ấy (Aleksandr Grin) không những đã không bị vấy bẩn mà vẫn có thể giữ nguyên vẹn trong suốt cuộc đời khó nhọc của mình trí tưởng tượng phong phú khác thường, tình cảm trong sáng và ngượng ngập”. Nhà văn Konstantin Paustovsky
Nhiều năm về trước, một lần đuổi theo chiếc thuyền đồ chơi bị trôi sâu vào trong rừng, A-xôn đã gặp được ông già Egon, một người kể chuyện, đi đó đây để thu nhặt những câu chuyện hay và cô bé được tiên đoán: “Có lần vào buổi sớm mai, từ phía biển khơi xa tít tắp sẽ hiện ra một cánh buồm đỏ thắm rực rỡ dưới ánh mặt trời”, một chàng hoàng tử sẽ cưới cô làm vợ.
A-xôn chạy về nhà và thông báo lời tiên đoán này cho bố của mình. Tuy vậy, Longren, một con người từng trải, nên đã cho rằng, khi lớn lên cô bé sẽ thấy “không phải là cánh buồm đỏ thắm mà là những cánh buồm bẩn thỉu, độc địa, trông từ xa thì có vẻ đẹp đẽ, trắng trẻo, đến gần thì rách nát, xấu xa” và “Khi nào con lớn, con sẽ quên thôi”. Tuy nhiên, điều không tưởng ấy vẫn có thể xảy ra.
Trong một lần đi câu cá với anh bạn thủy thủ Lê-chi-ca láu lỉnh, Gray vô tình thấy “nàng công chúa” A-xôn ngủ trong rừng: “Cô gái ngủ say đến mức dường như từ mái tóc đến làn áo, đến cây cỏ xung quanh cũng đều ngủ theo cô”.
Quá ấn tượng trước hình ảnh người con gái đang nằm ngủ trước mặt, Gray đã “nhẹ nhàng lồng chiếc nhẫn vào ngón tay út của cô gái để lộ ra bên gáy” và tiến về phía quán rượu của ngôi làng.
Tại đây, Gray và Lê-chi-ca đã cùng tìm hiểu về người thiếu nữ trong rừng qua lời kể của người chủ quán rượu, không ai khác chính là Khin Menec, con của tên Menec, người bị bố A-xôn từ chối cứu sống.
Hắn ta đã nói ra những lời lẽ miệt thị với A-xôn, cũng không quên đem hình ảnh cánh buồm đỏ thắm mà cô ngày ngày mong ngóng ra để chế nhạo. Tuy vậy, hắn đã bị bác bán than tốt bụng vạch mặt và Gray cũng được tỏ tường về A-xôn - một người hoàn toàn bình thường “như chúng ta cả thôi”, không những thế “cô ta là người phúc hậu”.
Đó cũng chính là cầu nối để Gray biến điều ước của A-xôn thành hiện thực. Anh đã nhờ Lê-chi-ca tìm hiểu kĩ hơn về A-xôn và tự mình mua vải, tiến hành may buồm cho con tàu “Bí mật” của mình.
Những hành động này được Gray làm bằng cả trái tim cùng tấm lòng ấm áp của mình khi anh tin rằng A-xôn không ai khác chính là định mệnh của bản thân và anh quyết tâm đem đến cho cô “cánh buồm đỏ thắm”, bất chấp sự ra giá vải “chẳng lấy gì làm thật thà cho lắm” của viên chủ tiệm.
Sự việc Gray quyết định cưới vợ thực sự đã truyền năng lượng tích cực đến tất cả mọi người từ thủy thủ trên tàu “Bí mật” đến trên chiếc tàu tuần dương. Các thủy thủ trên cả hai con tàu dường như đã nhận được những thông điệp về tình yêu luôn cháy bỏng trong cuộc đời thuyền trưởng Gray.
Cuối cùng, hình ảnh chiếc thuyền với cánh buồm “đỏ như rượu vang, như hoa hồng, như máu, như làn môi, như nhung thắm và như ngọn lửa đỏ tươi” tiến đến phía cô bé A-xôn như ngọn đuốc của tình yêu, của hy vọng xua tan đi làn sương nghi kị, cô đơn.
Đây thực sự là một cái kết đẹp đậm màu cổ tích mà tác giả Aleksandr Grin đem đến cho độc giả. Tuy nhiên, tại đây nhà văn không để cho những nhân vật hư cấu mang sức mạnh siêu nhiên như bà tiên, cô tiên để mang lại hạnh phúc cho A-xôn mà người đó không ai khác chính là Gray.
Điều này cho thấy tác giả thực sự đã quan niệm rằng, trong cuộc sống sẽ có những lúc hạnh phúc đến bất chợt với chúng ta giống như một câu chuyện cổ tích cũng như con người có thể tự tạo ra niềm vui cho chính bản thân mình.
Vì vậy, hãy sống hết mình, sống thật ý nghĩa và hãy tự đem lại hạnh phúc cho chính mình và người khác bằng những niềm hy vọng luôn rực cháy như hình ảnh cánh buồm đỏ thắm hiện ra trong màn sương.
Thật vậy, “Cánh buồm đỏ thắm” của nhà văn Aleksandr Grin như một câu chuyện cổ tích có hậu và truyền cho người đọc những năng lượng tích cực để vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống.