Cải cách chính sách tiền lương là cần thiết và cấp bách

GD&TĐ - TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc cải cách chính sách tiền lương là cần thiết, cấp bách.

Cải cách chính sách tiền lương là cần thiết và cấp bách để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu quả. Ảnh minh họa
Cải cách chính sách tiền lương là cần thiết và cấp bách để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu quả. Ảnh minh họa

Tiến hành đồng bộ với các chính sách khác

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần tiến hành đồng bộ với cải cách các chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: Hành chính, tài chính công, bảo hiểm xã hội, ưu đãi đối với người có công và trợ giúp xã hội, đồng thời phải xuất phát từ tình hình thực tiễn.

Cải cách chính sách tiền lương phải toàn diện, bao gồm cả thang, bảng lương, hệ số lương và các khoản phụ cấp, đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác; coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển.

“Cải cách chính sách tiền lương rất quan trọng, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đúng vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, phải kiên quyết chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng bản chất của đơn vị dịch vụ công. Nhà nước thực hiện khoán chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, không phân biệt đơn vị Nhà nước hay tư nhân, phải lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo” -TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

5 giải pháp cải cách tổng thể

TS Bùi Sỹ Lợi đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Thứ nhất, cần đổi mới tư duy, chi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chính là chi cho đầu tư phát triển. Đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.

Bản chất tiền lương là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất.

Cần xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính tương xứng với sức lao động và tương đương mức lương thị trường. Với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của cán bộ, công chức, viên chức, cần được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu của công chức hành chính chỉ có thể được điều chỉnh dựa trên sự tương quan với lương tối thiểu của các khu vực. Cùng đó là hệ số nuôi con của công chức hành chính, hệ số tương quan với thị trường lao động, hệ số vùng, hệ số tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, đổi mới quản lý Nhà nước về tiền lương thì bộ máy hành chính Nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo. Điều này nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với giá trị sức lao động.

Xây dựng hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, tiến kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho việc cải cách cơ bản tiền lương.

Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm giảm bớt quỹ tiền lương đối với viên chức từ ngân sách Nhà nước. Đổi mới quản lý Nhà nước về tiền lương phải gắn với đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, khoán biên chế và khoán chi hành chính hàng năm, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Việc tinh giản biên chế hành chính Nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản về số lượng phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, tuyển dụng những người có đức, có tài phải song song với việc đào thải những người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất và thiếu đạo đức ra khỏi nền công vụ.

Nên tách những khâu, những bộ phận không thuộc bộ máy công quyền và những bộ phận mang tính chất dịch vụ công để bộ máy gọn nhẹ. Tiếp theo là tiến hành phân tích các công việc cần trả lương, phân biệt giá trị các công việc mà công chức đảm nhận...

Thứ ba, tạo nguồn ngân sách để tăng lương. Đây là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương đi vào thực tiễn đời sống, tiền lương phải gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân.

Hiện nay, ngân sách Nhà nước ta còn hạn hẹp, trong khi phải chi nhiều, đặc biệt là chi xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất,… Do đó, phải cơ cấu lại chi ngân sách, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực, các tập đoàn Nhà nước không có hiệu quả, dùng lượng tiền đó để tăng lương.

Thứ tư, tiến hành rà soát lại đội ngũ công chức hành chính nhằm nâng cao chất lượng và giảm những công chức không có năng lực hoặc biến chất.

Nghiên cứu xây dựng các phương án đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính để nâng cao trình độ đáp ứng được công việc, các phương án sử dụng số lao động dôi dư. Cùng với đó, dựa vào kết quả hệ thống công vụ được thiết kế, hệ thống chức danh công chức được điều chỉnh, đối chiếu lại các mức lương trong bảng lương công chức đã được sắp xếp lại để đảm bảo có sự tương xứng cần thiết.

Thứ năm, việc tuyển chọn, bố trí nhân lực (chất lượng đầu vào và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý) cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn công khai, có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng viên. Cùng đó, tiền lương và các chính sách kèm theo phải thực sự công khai, minh bạch, trả lương theo đúng vị trí việc làm và mức độ cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ