Cách yêu con rất riêng của bố

GD&TĐ - Bố và tôi cùng tuổi Rồng, tôi ra đời sau bố đúng 2 giáp. Chẳng biết có phải tại vấn đề tuổi ẩn, tuổi hiện gì đấy như các cụ nói hay không mà ngay từ lúc còn bé, tôi đã cảm thấy mình bị “xung đột” về mặt tính cách với bố.

Cách yêu con rất riêng của bố
Trừ cái mặt giống như đúc, còn lại tôi chẳng thừa hưởng được ở ông một điểm gì.
Tôi rất hay bị bố cho ăn đòn. Học dốt, điểm thấp - đánh! Hậu đậu, làm vỡ đồ đạc - đánh! Ham chơi, không trông nhà - đánh!... Kinh khủng nhất là bố thường bắt tôi tự đi kiếm roi.
Cái roi đó thường không được quá to, không được quá bé, không được quá dài, không được quá ngắn, chất liệu không được quá tươi và cũng không được quá khô.anh7.jpg

Thời gian tìm kiếm không được quá lâu. Khi bố vụt xuống, không được gào khóc quá lớn. Hồi đó, hầu như chẳng có ngày nào mà tôi không bị ăn đòn. Có điều xong là xong, tôi chưa bao giờ giận bố cũng như bố chưa bao giờ hết yêu tôi cả.

Năm tôi học hết lớp 9 và chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp THCS, có một hôm sau khi kiểm tra bài của tôi xong, bố nói: “Con 15 tuổi rồi. Từ nay bố không dùng roi vọt mà sẽ cư xử với con như người lớn. Hy vọng con hiểu chuyện và xử sự đúng đắn”. Tôi khá ngạc nhiên nhưng bố đã thực sự tuân thủ điều ấy. Từ đó cho đến nay, gần 20 năm qua, tôi chưa từng bị bố đánh thêm một roi nào.

Mặc dù bố rất nghiêm khắc với tôi trong suốt 15 năm đầu đời nhưng hai cha con cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ mãi cảm giác được bố công kênh trên vai đi thăm ruộng. Mỗi buổi tối, sau khi ăn cơm xong, bố bế tôi lại gần bóng điện và dùng một chiếc tăm nhỏ xỉa từng cái răng sâu của tôi.
Tôi thường dùng bút chì để viết thư khi bố đi xa và lúc trở về, bố sẽ hồi hộp mở ngăn kéo, ánh mắt long lanh hạnh phúc khi đọc những dòng chữ xiêu vẹo ấy của tôi.
Khi tôi bắt đầu dậy thì, bố là người đầu tiên mua cho tôi sữa rửa mặt, kem dưỡng da và có khi là một chiếc áo mới... Bố rất thích màu đỏ đậm, vì thế ngày học cấp III, tôi giống như một “ngọn lửa” với áo đỏ, xe đạp đỏ... mọi thứ đều màu đỏ.
Rồi tôi lên thành phố học đại học và có những giấc mơ viển vông của riêng mình. Thật kỳ lạ là bố chưa bao giờ can ngăn, còn đem số tiền dành dụm bao lâu để giúp tôi thực hiện những mong muốn đó. Kể cả khi tôi thất bại, bố cũng chỉ nói: “Không sao. Khi đưa tiền cho con, bố mẹ đã xác định rồi. Coi như con đã học được một bài học”.
Ngày tôi đưa bạn trai là một anh chàng mồ côi về nhà, bố mẹ cả đêm không ngủ được. Sớm hôm sau, bố gọi hai đứa lại và bảo: “Bình thường, trong hoàn cảnh này, không bố mẹ nào đồng ý đâu. Nhưng các con cứ suy nghĩ kỹ, nếu thực lòng yêu nhau thì bố mẹ không cản. Hai đứa lấy nhau phải xác định ban đầu sẽ vất vả, phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”.
Mãi đến tận hôm cưới, bố mẹ tôi vẫn chưa biết nhà cửa “đằng trai” ra sao. Buổi tối trước hôm cưới, bố kéo bác cả vào buồng hỏi nhỏ: “Anh thấy trên ấy nhà người ta thế nào ạ?” (vì bác cả đã đến nhà bạn trai tôi).
Sớm hôm sau, tôi thấy nếp nhăn trên trán bố như hơi sâu hơn, bố cứ vỗ vào đầu tôi khe khẽ. Rồi đến lúc tôi ngồi trang điểm, ông cứ chạy lên chạy xuống. Lần thứ nhất bố hỏi: “Sắp xong chưa con?”. Lần thứ hai, ông kêu khẽ: “Ôi, không phải con gái mình nữa rồi!”. Lần thứ 3, chưa đợi bố nói, tôi đã kéo ông vào chụp bức ảnh cha con.
Suốt đời tôi sẽ không quên được khoảnh khắc khi mình ngồi ở hội trường nhà trai và thấy bố vội vã theo vào sân, sải những bước dài. Tôi ngước lên nhìn nắng chiếu qua nếp nhăn và cái dáng tất tả của bố, khóe mắt chợt ướt, còn bố nhìn tôi mỉm cười, khẽ gật đầu.
Theo Phụ nữ Việt nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ