Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.
Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Nhiều cơ hội việc làm

Số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 10 ước tăng 0,5% so với tháng trước, và tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin hơn 11.000 hồ sơ người tìm việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận thấy, mức lương mong muốn của người lao động chủ yếu từ 5 đến 10 triệu đồng, phù hợp với mức chi trả của phần lớn doanh nghiệp, số này chiếm gần 72%. Tương tự có khoảng 15,5% người lao động tìm công việc lương từ 10 - 20 triệu đồng...

Phần lớn người tìm việc trong tháng qua là nhóm chưa qua đào tạo, chiếm 40,16%, tập trung vào các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng... Gần 30% là nhóm tìm việc có trình độ đại học trở lên, với mong muốn việc làm nhân viên văn phòng, kế toán, kỹ thuật viên.

Nhận định về bức tranh việc làm trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đánh giá tích cực về tình hình hoạt động sản xuất trong những tháng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao đối với một số ngành, đặc biệt là thương mại dịch vụ, du lịch, lưu trú ăn uống và giải trí…

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, bao gồm các phiên đặc thù phù hợp với từng nhóm lao động, giúp tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho nhiều đối tượng khác nhau.

Ngoài ra, trung tâm cũng phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp với sinh viên. Theo ông Thành, việc gắn kết với các cơ sở đào tạo cũng nhằm hỗ trợ tốt hơn trong công tác giải quyết việc làm, cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Riêng trong tháng 11 này, đơn vị dự kiến tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm.

cach-nao-tang-nang-luc-canh-tranh-doanh-nghiep3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Vẫn gặp khó trong tuyển dụng

Thời điểm cuối năm, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bước vào mùa cao điểm, cùng với đơn hàng gia tăng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đang ráo riết tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm, nên dù tận dụng tất cả các kênh tìm kiếm nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ lao động, đặc biệt là lao động phổ thông...

Bà Trần Thanh Tâm - Trưởng phòng khối Nhân sự, Công ty TNHH MobelX thừa nhận, thời gian qua các doanh nghiệp đã gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự. Theo bà Tâm, về nguyên nhân có rất nhiều, nhưng một phần đến từ thái độ của chính người lao động. Nhiều người lao động không có sự cam kết chặt chẽ với doanh nghiệp, họ dễ dàng rời bỏ doanh nghiệp vì rất nhiều lý do chủ quan, lẫn khách quan.

Ông Nguyễn Tiến Toàn - Giám đốc một doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội cho biết, hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 35 nhân sự với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ theo quy định của pháp luật, công ty có thưởng hàng quý và thưởng Tết.

Mặc dù, yêu cầu đối với lao động không quá cao, lao động phổ thông nếu chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo, song, theo ông Toàn không có nhiều ứng viên để công ty lựa chọn vào thời điểm hiện tại. “Việc khó tuyển lao động, đặc biệt lao động phổ thông là điệp khúc của các doanh nghiệp sản xuất vào mỗi dịp cuối năm. Người lao động hiện cũng có rất nhiều lựa chọn. Họ có thể xem xét cơ hội việc làm ở các nhà máy trong cùng địa bàn khu công nghiệp, hoặc ở các khu công nghiệp lân cận”, ông Toàn nói.

Chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng Lê Minh Phong đánh giá, hiện có hàng chục nghìn vị trí tuyển dụng, và điều dễ thấy là các doanh nghiệp tuyển nhiều, liên tục, số lượng ứng tuyển cũng rất lớn. Tuy nhiên, theo quan sát, các doanh nghiệp khi đăng tuyển hay dùng từ làm bó hẹp khả năng của ứng viên. “Chẳng hạn dùng từ “tuyển lao động phổ thông”, “tuyển công nhân”, như vậy rất dễ đánh vào tâm lý của người lao động”, ông Phong nói và cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược tuyển dụng để thu hút ứng viên.

Để góp phần giải quyết tình trạng trên, ông Phong cũng cho biết thêm, cần có hệ thống thông tin dữ liệu người lao động chuẩn, chính xác để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong nắm bắt và tuyển dụng, đồng thời sẽ nâng cao ý thức của người lao động ứng tuyển khi vào làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.