Thực tế cho thấy, hiện nay, thay vì những cách làm chín mít truyền thống như đóng cọc, phơi nắng, bôi vôi vào đầu cuống, ủ để chín tự nhiên trong nhiều ngày… người ta đã có cách làm mít chín siêu tốc chỉ sau 1 ngày.
Loại hóa chất dùng để thúc mít chín là ethrel, có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường dùng để kích thích mủ cây cao su, vô cùng độc hại với sức khỏe con người.
Thông thường, để làm chín mít, các thương lái mang lọ hóa chất này ra pha loãng, rồi ngâm cuống hoặc phun vào vỏ quả mít, chỉ sau 2 – 3 ngày là mít chín. Tuy nhiên, nhiều thương lái vì muốn rút ngắn thời gian, họ đã tiêm thẳng thuốc cô đặc vào trong quả mít hoặc nhỏ trực tiếp lên cuống mít.
Bằng cách này, chỉ sau 1 đêm, tất cả các múi mít đều chín đều, kể cả những quả chưa già. Ăn những quả mít này không khác gì đưa chất độc vào cơ thể mỗi ngày, dần dần chúng sẽ phá hủy gan thận và nội tạng.
Nếu lượng hóa chất được tiêm vào quá nhiều có thể gây ngộ độc tức thì đối với người ăn.
Vì vậy, để lựa được mít ngon, an toàn cho gia đình, chị em nên lưu ý cách phân biệt mít chín cây với mít ngậm hóa chất như sau:
Nếm thử
Cắn thử một miếng, nếu thấy múi mít vàng, mà ăn thấy sường sượng mùi vị lờ lợ, thì đừng nuốt nữa và tất nhiên là đừng mua về. Mít chín mùi thơm lại có vị ngọt bùi, đã tốt lại còn ngon.
Quan sát nhựa của quả mít
Mít chín tự nhiên khi bổ ra ít nhựa và không có nhựa trắng. Mít tiêm thuốc có những dòng nhựa trắng chảy ra từ trong ruột mít, do tác động của thuốc.
Hình dáng quả mít
Đây được xem là một cách khá dễ mà bạn có thể quan sát và nhận biết được. Với mít bạn nên chọn những quả đều, không có những chỗ eo hay lõm. Bởi những chỗ eo, lõm, mít dễ bị sâu, quả cứng hoặc nhiều xơ.
Gai và mắt mít
Tránh mua những quả mít chưa đủ tuổi già qua những dấu hiệu như: màu vỏ còn xanh, gai mít nhọn, khoảng cách giữa các gai mít gần nhau, vỗ vào nghe tiếng chắc nịch.
Mít chín tự nhiên thì thân quả thường rất mềm. Mắt mít nở to, gai không nhọn và thưa hơn so với lúc mít còn xanh. Còn mít chín ép có gai nhọn, mắt không nở to, gai cứng và dày do bị chín ép bên trong, còn bên ngoài vẫn còn độ xanh của quả.
Độ mềm của vỏ mít
Nếu nhấn vào vỏ thấy mềm thì đó là mít chín, mít vỏ cứng, gai rắn chắc là mít xanh.
Vỗ vào quả mít
Khi nhấc những quả mít lên và thấy mít nặng trái. Dùng tay vỗ nhẹ hoặc búng vào vỏ quả thấy phát ra những tiếng kêu bình bịch thì đó là mít chín và ngon.
Mùi thơm
Mít chín thường có mùi thơm đặc trưng, đi từ xa đã có thể cảm nhận được mùi thơm của mít. Mít tiêm thuốc thì không có mùi thơm lừng như mít chín cây thậm chí là không có mùi gì.
Phân biệt mít Thái và mít nghệ Việt Nam
Một chuyên gia về giống cây trồng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết hiện nay có khoảng 6-7 dòng mít Thái khác nhau đang lưu hành trong dân.
Về mặt cảm quan, mít Thái thuôn ngắn, còn mít nghệ thuôn dài. Màu sắc trái mít Thái vàng tươi, còn mít nghệ màu xanh vàng. Thịt quả mít Thái và mít nghệ cùng có màu vàng đậm. Đánh giá chung chất lượng thì giống mít nghệ Việt Nam ngon hơn, vị ngọt thanh, còn mít Thái ngọt nhạt hơn.