Thực tế, rèn luyện thể lực cho trẻ là vô cùng quan trọng. Khi có sức khoẻ, trẻ sẽ học tập và tham gia các hoạt động tốt hơn.
Vì nhiều lý do, cha mẹ hoàn toàn có thể khuyến khích con rèn luyện thể chất tại nhà, thay vì ngoài trời hoặc các câu lạc bộ. Tuy nhiên, để con có động lực hơn, phụ huynh cần đồng hành, khuyến khích và theo sát trẻ.
“Ngại” vận động
Trong xã hội hiện đại, nhu cầu giải trí càng cao, việc chú ý rèn luyện thân thể có vẻ như càng bớt được chú trọng. Đặc biệt, không ít phụ huynh có quan niệm coi trọng việc phát triển trí tuệ cho con hơn thể chất. Điều đó thể hiện rất rõ trong cách dạy con của những ông bố bà mẹ thời 4.0.
Một nghiên cứu của Viện Nhi khoa Mỹ thực hiện trên 1.000 gia đình có con từ 3 - 11 tuổi từng chỉ ra rằng, thời gian cha mẹ chăm sóc trẻ đã tăng lên đáng kể từ năm 1965 - 2014.
Trong gần 5 thập kỷ qua, thời gian các ông bố dành cho bé tăng gấp 3 lần - từ 2,6 lên 7,2 giờ mỗi tuần. Hơn ai hết, mẹ vẫn là người quan tâm, chăm sóc trẻ nhiều nhất, với 13,7 tiếng mỗi tuần.
Tuy nhiên, 48% ông bố và 23% bà mẹ vẫn cảm thấy có lỗi vì dành quá ít thời gian cho con. 50% cặp vợ chồng cảm thấy khó khăn để cân bằng trách nhiệm công việc với nghĩa vụ gia đình. Khoảng 34% người cha và 40% mẹ luôn cảm thấy cuộc sống thường ngày quá vội vã và thiếu thốn thời gian.
Mặc dù, thời gian cha mẹ bên con tăng về lượng, song lại giảm về chất. Nhiều phụ huynh Mỹ cho biết, phần lớn thời gian, họ dùng để xem tivi, chơi iPad với con, chăm lo bữa ăn hoặc hỏi han chuyện học tập ở trường...
Thời gian các bà mẹ trò chuyện với bé đã tăng từ 41% lên 71% trong suốt giai đoạn từ 1965 - 2014. Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ thừa nhận đã bỏ bẵng thời gian vui chơi và vận động cùng bé. Và, tình trạng này cũng không quá khác biệt tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Liên - phụ huynh tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), chia sẻ, con chị hiếm khi tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất tại nhà.
“Cháu nhà tôi năm nay học lớp 5. Vì vậy, cháu cần tập trung vào việc học kiến thức. Sau giờ học chính, gia đình sẽ kèm cặp con học và ôn lại bài. Vì vậy, thú thực, cháu hầu như không nhiều có thời gian vận động, trừ khi tham gia môn thể dục trên lớp”, bà mẹ một con này cho biết.
Trong khi đó, anh Phạm Hoàng Quân - một ông bố hai con tại Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ: “Bản thân tôi là một người không yêu thích thể thao. Vì vậy, tôi cũng không yêu cầu con phải chăm vận động. Vì còn nhỏ, nên các con chỉ cần tập trung cho việc học kiến thức là đủ”.
Tầm quan trọng của vận động
Thế nhưng, thực tế đã chỉ ra rằng, giáo dục thể chất có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Ở lứa tuổi mầm non, trẻ chủ yếu rèn luyện thể thao ở nhà và trường. Vì vậy, hai môi trường này là nơi xây dựng thói quen sống lành mạnh và sở thích tập luyện thể thao cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ đó, giúp con hình thành nền tảng vững chắc với lối sống khỏe khi trưởng thành.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em thường xuyên chơi đùa và vận động sẽ có được nhiều lợi ích. Cụ thể, trẻ sẽ cân bằng năng lượng và duy trì trọng lượng nên có của cơ thể. Chế độ hoạt động hợp lý sẽ bảo đảm cho năng lượng hấp thụ của trẻ (lượng thức ăn tiêu thụ) không vượt quá mức năng lượng tiêu hao (hoạt động). Nhờ đó, giảm lượng calo dư thừa tích tụ lại thành mỡ.
Ngoài ra, thường xuyên vận động sẽ giúp tăng cường sự rắn chắc của xương và cơ bắp. Hoạt động thể chất rất tốt cho sự phát triển xương của trẻ, giúp giữ mật độ xương ở mức cao, và làm giảm nguy cơ loãng xương. Hoạt động thể chất rất tốt cho tim và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Vì vậy, việc chăm vận động sẽ tăng cường lưu thông máu và giúp trẻ có trái tim khỏe mạnh.
“Hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và béo phì. Nó cũng giúp xương, khớp, cơ bắp luôn khỏe mạnh và có tác dụng nâng cao tinh thần. Vận động cũng giúp tâm trạng thư thái và giảm căng thẳng. Khi chúng ta tập thể dục, não giải phóng chất endorphin - một hóa chất tạo ra cảm giác hạnh phúc và giúp giải tỏa căng thẳng”, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.
Yếu tố vô cùng quan trọng khác của rèn luyện thể chất là giúp trẻ tự tin hơn. Bởi, các môn thể thao và trò chơi tạo cơ hội cho trẻ hoạt động theo nhóm cũng như kết bạn.
Chia sẻ về việc rèn luyện thể chất ở trẻ, huấn luyện viên Kiều Mạnh Anh Tiến - quản lý Trung tâm Superstar Fitness Yoga & Center (Hà Nội), lý giải: “Sau 20 tuổi, các cá nhân vẫn có thể phát triển, nhưng chậm hơn rất nhiều. Ví dụ, nếu 20 tuổi mới làm quen với Coordination - kỹ năng phối hợp động tác, có thể người tập sẽ thấy rất khó và chậm. Thực ra, kỹ năng này phải được xây dựng từ khi trẻ 5 - 6 tuổi hoặc 14 - 15 tuổi”.
Cụ thể, có 5 tố chất cơ bản để hình thành vận động: Tốc độ, kỹ năng, sức mạnh, sức bền, độ dẻo - linh hoạt. Và, những tố chất này cần phải tập luyện ở độ tuổi nhạy cảm, giúp trẻ không chỉ phát triển về trí não mà còn hoàn thiện về mặt thể chất. Lứa tuổi tập luyện phụ thuộc vào bộ môn thể thao cụ thể. Mỗi bộ môn sẽ yêu cầu tập luyện từng kỹ năng.
Bài tập phù hợp
Theo chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý - người sáng lập Công ty Hotkids Việt Nam, hoạt động thể chất không chỉ giúp trẻ khoẻ mạnh hơn, mà còn giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết.
Nữ chuyên gia này gợi ý, cha mẹ có thể khuyến khích con tham gia chạy nhảy hoặc chơi đuổi bắt. Bởi, chạy bộ được coi là môn thể thao đơn giản nhất giúp trẻ phát triển sức bền và tăng chiều cao.
Đặc biệt, cha mẹ có thể chơi đuổi bắt cùng con. Nhờ đó, giúp trẻ thêm phần phấn khích và tạo động lực để con tập luyện chăm chỉ hơn. Đặc biệt, việc phải tăng tốc để đuổi kịp cha mẹ sẽ kích thích cơ thể sản xuất các hormone tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể khuyến khích con thực hiện những bài tập kéo giãn cơ thể. Theo bà Hải Lý, đối với trẻ nhỏ, cách đơn giản nhất để tập động tác này là ngồi xoạc chân trên nền nhà. Sau đó, con cúi người và cố gắng vươn tay chạm đến các đầu ngón chân. Hãy để trẻ thực hiện từng bên một. Tuy nhiên, có thể, trẻ sẽ nhanh chán động tác này. Vì vậy, để hoạt động thú vị hơn, cha mẹ được gợi ý hãy tham gia cùng con.
Một hoạt động rèn luyện thể chất khác khá quen thuộc với các bạn nhỏ chính là nhảy dây. Không chỉ tìm thấy niềm vui trong hoạt động này, trẻ còn nhận được lợi ích về sức khoẻ.
Nhảy dây giúp cơ xương và cột sống của trẻ vươn dài. Nhờ đó, phát triển chiều cao hiệu quả. Bên cạnh đó, bà Hải Lý chia sẻ, hoạt động này còn kích thích những khối cơ lớn, tim và phổi khoẻ mạnh hơn. Nữ chuyên gia này cũng gợi ý hoạt động khác là nhảy lò cò. Chắc hẳn, nhảy lò co cũng là khái niệm quen thuộc với trẻ, đặc biệt là bé gái.
Tránh để con “ngán” tập
Thời gian qua, sự bùng phát của Covid-19 đã khiến không ít ông bố bà mẹ quyết định thiết lập nhiều hoạt động trong nhà để con tham gia. Nhờ đó, giúp trẻ “siêng” vận động hơn, thay vì chỉ ngồi một chỗ sử dụng thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, một số phụ huynh quá bận rộn cũng có thể khuyến khích con vận động tại nhà.
Chia sẻ về vấn đề này, huấn luyện viên Kiều Mạnh Anh Tiến nhận định, rèn luyện thể chất trong nhà là một phương pháp tốt để duy trì thói quen tập luyện, cũng như cải thiện sức khỏe của trẻ.
“Tùy vào không gian và điều kiện kinh tế, cha mẹ có thể mua cho bé các máy tập luyện chuyên dụng, hoặc những dụng cụ tập luyện”, anh Tiến gợi ý.
Tuy nhiên, huấn luyện viên này nhấn mạnh, việc tập luyện trong nhà phần nào sẽ gây cảm giác “ngấy” đối với trẻ, nếu điều đó kéo dài. Bởi vậy, cha mẹ có thể dành thời gian để tập luyện cùng trẻ, hoặc lên kế hoạch đổi mới bài tập.
Theo anh Tiến, hầu như các hoạt động rèn luyện thể chất đều có thể tự tập được trong nhà, nếu cha mẹ lựa chọn các bài tập phù hợp với trẻ, như: Sử dụng dụng cụ tập luyện hay sử dụng chính các vật dụng trong nhà (cầu thang, bàn, ghế, tường, sàn .... ).
“Ngoài ra, có rất nhiều bài tập không sử dụng đến dụng cụ như nhảy, bật nhảy, chống đẩy... Đó cũng là một số bài cơ bản để duy trì vấn đề tập luyện trong ngắn hạn... Đặc biệt, nếu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, việc tập luyện tại nhà vẫn sẽ là sự lựa chọn an toàn cho trẻ, cũng như cả gia đình và cộng đồng”, huấn luyện viên Anh Tiến cho biết.
Tuy nhiên, điều các phụ huynh cần lưu ý là, tùy vào từng độ tuổi, cha mẹ hãy hướng dẫn con tập luyện bài phù hợp. Đặc biệt, những hoạt động rèn luyện này cần mang lại ít rủi ro chấn thương nhất có thể.
Bên cạnh đó, anh Tiến cho rằng, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cũng như thời gian nghỉ ngơi hợp lý là những yếu tố vô cùng cần thiết. Như vậy, con sẽ tránh được hiện tượng cảm thấy quá tải trong tập luyện, dẫn đến chấn thương. Nếu có thể, cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia. Qua đó, giúp trẻ có kỹ thuật phù hợp cũng như tư thế vận động đúng.