(GD&TĐ)-Lo ngại về tình hình lạm phát, đồng tình với chính sách giãn, giảm thuế thu nhập cho một số đối tượng cá nhân, doanh nghiệp; chính sách cần tập trung vào những vấn đề nóng... là những vấn đề được các ĐBQH thảo luận sôi nổi trong phiên thảo luận tại tổ sáng ngày hôm nay (4/8) về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2011.
Các đại biểu thảo luận tại tổ |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM), một chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm đã dành thời gian phân tích nhiều yếu tố tác động đến lạm phát. Ông nói: Có nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan mà chúng ta phải tập trung khắc phục. Tôi muốn lưu ý đến khả năng dự báo tình hình còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, theo TS Ngân, từ khu vực sản xuất đến tay người tiêu dùng, nhiều mặt hàng tăng giá gấp 3 lần, chứng tỏ khâu lưu thông phân phối đã bị buông lỏng. Vì vậy, lợi nhuận không chính đáng rơi vào túi của một nhóm người, trong khi người sản xuất và người tiêu dùng đều phải chịu thiệt.
Nhấn mạnh đặc điểm tiêu dùng của nước ta là nhóm lương thực - thực phẩm có ý nghĩa quyết định rất lớn đối với chỉ số giá tiêu dùng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ lãi suất cho người nông dân vay để phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, hình thành những vùng chuyên canh cho năng suất, chất lượng cao. Các doanh nghiệp thương mại của nhà nước cũng cần phát huy vai trò định hướng thị trường của mình, mua tận gốc, bán tận tay người tiêu dùng để đảm bảo giá cả không bị “đội” lên vô lý.
Nhìn nhận nền kinh tế hiện nay như một người bệnh vừa cần được uống thuốc trị bệnh, vừa cần được bồi bổ sức khỏe, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ cân nhắc “liều lượng điều hành”. “Kém hiệu quả - lãng phí – tham nhũng là 3 căn bệnh lớn khiến nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng, nhất là khi bên ngoài nóng lạnh thất thường. Trước mắt, Chính phủ cần xem xét lại việc phân bổ hợp lý nguồn lực trong nước, giảm tối đa chi phí trung gian. Chính sách tiền tệ siết là đúng, nhưng siết quá cũng như cho uống thuốc quá liều, bệnh dứt nhưng cơ thể không khỏe lại được”, ông Nghĩa ví von.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Thành Tâm đề nghị Chính phủ tập trung vào việc nâng cao hệ số tín nhiệm tín dụng quốc gia để thu hút thêm nguồn vốn bên ngoài cho nền kinh tế, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TPHCM), Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM) thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới các vấn đề xã hội.
Đồng chí Lê Thanh Hải nói: “Để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cần tới sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chung tay cùng với Chính phủ chứ mọi vấn đề không thể giải quyết chỉ từ trung ương được. Vừa qua tại TPHCM, việc vận động trên 65 ngàn hộ cho thuê nhà trọ không tăng giá là một ví dụ điển hình”. Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng, cần có sự thay đổi trong quan điểm chi tiêu ngân sách. Đơn cử, theo ông, nên dành một khoản tiền nhất định để ưu đãi đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực khả thi nhất. Đó là một cách chi tiêu ngân sách khôn ngoan, vì một đồng vốn bỏ ra có thể thu hút được 10 đồng vốn đầu tư vào, đem lại hiệu quả đáng kể về kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ với những khó khăn mà các gia đình hưu trí, người làm công ăn lương, công nhân các khu công nghiệp... đang phải đối mặt trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Bà mong muốn Chính phủ tiếp tục có những giải pháp cụ thể hơn nữa, xác định rõ mức độ hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Theo nghị trình, sau khi thảo luận tại các tổ Đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ tiếp tục dành một ngày làm việc tại hội trường để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2011
Theo nhiều đại biểu, việc giãn, giảm thuế thu nhập cho một số đối tượng cá nhân, doanh nghiệp sẽ có tác dụng nhiều mặt và động viên sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định) nói, ông tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc miễn thuế thu nhập cá nhân với một số đối tượng, vì đây là đối tượng nộp thuế ở mức khởi điểm. Những người có thu nhập khiêm tốn nhất thì cũng tích lũy được để tiêu dùng, đẩy sức tiêu thụ nội địa.
Việc giải cứu, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán là rất cần thiết và mang tính động viên và kéo nhà đầu tư trở lại. Cổ tức khác với tiền gửi ngân hàng, cổ tức là lợi nhuận sau thuế, nếu giảm được thuế thì cũng là động viên nhà đầu tư.
Ông Huệ phân tích, chính sách giảm 50% thuế khoán có tác động kép, giúp hộ kinh doanh khắc phục chi phí đầu vào tăng và tác dụng rất nhiều mặt. “Cá nhân tôi rất muốn Quốc hội ủng hộ quyết định này của Chính phủ để cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.
Sáng nay tại tổ Hà Nội, nhiều đại biểu khác cũng có ý kiến tương tự đại biểu Vương Đình Huệ, cho rằng việc giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượng như trong Tờ trình Chính phủ là cần thiết, và mang tính động viên lớn cho doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh chung của thế giới, chúng ta vẫn còn khó khăn cả về tài khóa và tiền tệ. Vấn đề là phải tìm cách tháo gỡ ra sao.
Tổng mức tăng trưởng tín dụng dư địa từ nay đến cuối năm vẫn còn nhưng cơ cấu tín dụng còn quan trọng hơn. Trong phạm vi tổng tín dụng, chỗ nào cần thiết và quan trọng thì cần cung cấp, nới lỏng và phải điều hòa đúng quy luật kinh tế khách quan. “Chúng ta cào bằng tỷ lệ tín dụng phi sản xuất, có cào bằng tất cả các tổ chức tín dụng hay không?” ông nói.
Về tín dụng, ông cho biết, hiện nay rất thông cảm với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Trước đó, ngân hàng đã phải huy động vốn với lãi suất cao thì để giảm ngay và giảm nhiều lãi suất cho vay là khó. Hơn nữa, lạm phát đang cao, để giảm lãi suất huy động xuống cũng không dễ dàng.
Tuy nhiên, trong điều kiện này cũng cần phải chia sẻ với doanh nghiệp. Nên giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Làm thế nào để vừa có thể kiềm chế được lạm phát mà không làm suy giảm, đình đốn trong sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) kiến nghị, khi đề ra chỉ tiêu và thực hiện, sai số rất lớn. Việc sau vài tháng lại điều chỉnh chỉ tiêu gây hoang mang cho người dân và cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài không được chủ động. Do vậy, phải đảm bảo được uy tín, phải có những giải pháp quyết liệt để thực hiện được những chỉ tiêu đưa ra.
Ông cho rằng, nên lựa chọn những giải pháp nào trúng để có thể thực hiện được mục tiêu cho năm, phải càng cụ thể, càng cơ bản để đảm bảo tính hiệu quả cao, có khả thi.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) góp ý, trong các báo cáo nửa năm của Chính phủ cần tập trung vào giải quyết các vấn đề nóng. Ví dụ như tỉnh Đồng Nai, việc khánh thành hoạt động Boxit đến nơi rồi nhưng việc xử lý như thế nào? Hoặc hoạt động ngân hàng khó khăn đang dẫn đến ách tắc trong nền kinh tế. Đó là những nghịch lý cần phải giải quyết.
Ông cho rằng, tiếng nói tại Quốc hội là để người dân hiểu hơn và đồng thuận hơn với những giải pháp của Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ mới với lời ra mắt đầy hứa hẹn trong lúc thực tế vẫn còn nhiều thách thức.
Thái Sơn