Cá tra Việt Nam vẫn chưa được chấp nhận ở Bỉ và Na Uy

Cá tra Việt Nam vẫn chưa được chấp nhận ở Bỉ và Na Uy

(GD&TĐ)-Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, cá tra Việt Nam hiện vẫn chưa ra khỏi danh sách đỏ trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) Bỉ và WWF Na Uy.

Một trong những lý do chính mà cá tra Việt Nam bị đưa vào danh sách đỏ của tổ chức này là việc nuôi cá tra có thể làm giảm chất lượng nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo ông Marc Campet, một người Pháp đã có 15 năm sinh sống tại đồng bằng sông Cửu Long và làm công việc kiểm định quy trình nuôi trồng và xuất khẩu cá tra Việt Nam, thì lý do này không chính xác, bởi từ trước đến nay thức ăn của cá tra có nguồn gốc từ thực vật, không có lý do gì gây hại cho nguồn nước.

ca
Tại Bỉ và Na Uy, cá tra VN vẫn chưa được chấp nhận

Trước sự việc WWF đưa cá tra Việt Nam vào cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng một số nước châu Âu ở danh sách đỏ, tức là khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng sản phẩm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã mời ông Mark Powell-nhà lãnh đạo thủy sản toàn cầu thuộc WWF quốc tế sang Hà Nội để làm việc trực tiếp cũng như để WWF Quốc tế có cơ hội tìm hiểu thêm thông tin về ngành sản xuất cá tra tại Việt Nam.

Ngay sau buổi ký kết Biên bản Thỏa thuận hợp tác phát triển cá tra Việt Nam theo hướng bền vững (ngày 17/12/2010) giữa tổ chức WWF quốc tế, WWF Việt Nam cùng với VASEP và Hội Nghề cá Việt Nam, ông Mark Powell, nhà lãnh đạo thủy sản toàn cầu thuộc WWF quốc tế đã khẳng định với báo giới Việt Nam và quốc tế về việc đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ.

Đây là một trong những nội dung trách nhiệm quan trọng của WWF trong Biên bản thỏa thuận hợp tác 4 bên kể trên. Nhưng thực tế đến nay, sau hơn một tháng kể từ ngày ký, tại trang web của WWF Bỉ và WWF Na Uy, cá tra vẫn có tên trong danh sách đỏ.

Người nuôi cá tra và cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam rất phản đối việc cá tra Việt Nam vẫn nằm trong danh sách đỏ trên trang web của hai nước này, đồng thời, nghi ngại về các cam kết mà WWF quốc tế ký kết với Việt Nam nói riêng cũng như các tổ chức khác trên thế giới nói chung.

Dự kiến, trong hai năm 2011-2012, Việt Nam phấn đấu 25% lượng cá tra xuất khẩu đạt bất cứ một tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 10% được chứng nhận phát triển bền vững toàn cầu (ASC). Đến 2015, sẽ có 100% cá tra xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 50% được chứng nhận ASC.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 650.000 tấn cá tra. Trong 5 năm tới lượng cá tra xuất khẩu sẽ đạt khoảng 800.000 tấn và như thế có đến 400.000 tấn đạt chứng chỉ ASC, giá bán sẽ cao hơn rất nhiều.

Ngọc Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ