Cà Mau: Người dân bất lực nhìn “đất nuốt tài sản”

Cà Mau: Người dân bất lực nhìn “đất nuốt tài sản”

Nỗi lo của vùng ngọt hóa

Mùa khô hạn năm nay tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nề nhất. Tỉnh này không chỉ đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn mà còn bị sụt lún đất nghiêm trọng. Trước kia, sụt lún chỉ xuất hiện vào mùa mưa bão, ở ven sông rạch thì nay xảy ra giữa mùa khô. 

Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, hạn hán đã làm cho các kênh, rạch bị khô cạn, mất phản áp nước, gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên 1.600 điểm với chiều dài trên 25,3km. Đáng lo nhất là nhiều vị trí sụt lún, sạt lở trên tuyến đê biển Tây và tuyến đường giao thông huyết mạch.

Cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, các tuyến đường huyết mạch ở Cà Mau xảy ra 9 điểm sụt lún đất với tổng chiều dài 250m. Trong đó, 1 điểm xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời; tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có 4 điểm với tổng chiều dài 95m và tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc có 4 điểm với tổng chiều dài 145m. 

Giữa tháng 2, tuyến đê biển Tây xuất hiện 3 điểm sụt lún với tổng chiều dài 240m. Trong đó, sụt lún, trượt sâu từ 2 - 3m với chiều dài 210m; sụt lún 0,8 - 1m với chiều dài 30m, nguy cơ sụt lún 4.215m. Đường giao thông nông thôn toàn tỉnh có 1.154 điểm sụt lún với tổng chiều dài 25.345m.

Một trong những địa phương thiệt hại nặng là huyện Trần Văn Thời. Huyện này có 1.109 điểm, gồm 712 điểm sụt lún đường bê tông với chiều dài 13.408m và 397 điểm sụt lún đường đất với tổng chiều dài 10.269m. Nghiêm trọng nhất là các xã Khánh Hải, Khánh Hưng và Khánh Bình Đông. 

Tại TP Cà Mau cũng có 15 điểm sụt lún với tổng chiều dài 754m. Trong đó 11 điểm sụt lún đường bê tông với chiều dài 363m và 4 điểm sụt lún đường đất với tổng chiều dài 391m. Huyện U Minh có 30 điểm sụt lún đường với tổng chiều dài 914m. Trong đó 17 điểm sụt lún đường bê tông với chiều dài 444m và 13 điểm sụt lún đường đất với tổng chiều dài 470m…

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tình hình năm nay giống như mùa hạn hán 2015 - 2016 nhưng gây thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Nguyên nhân cơ bản nhất là do nắng hạn làm nền đất bị khô, mất kết dính. Trong khi mực nước dưới kênh rạch rút sâu, làm mất phản áp gây sụt lún, sạt lở hàng loạt...

Là người bị thiệt hại, ông Trần Thanh Nhàn (ngụ ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) cho biết, vụ sụt lún đất đã kéo căn nhà của gia đình đổ sập. Rất may là căn nhà này dùng để hành nghề sửa xe và chứa phụ tùng, nên khi xảy ra sụt lún chỉ bị thiệt hại tài sản.

“Tôi sống ở đây mấy chục năm, chưa bao giờ thấy tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng như vậy. Mới hôm trước nhà cửa, đất đai còn đó, giờ đây toàn bộ đã nằm sâu dưới đất. Có ai ngờ đất liền giờ lại thành sông, thành ao như thế này!”, ông Nhàn nói.

Cà Mau: Người dân bất lực nhìn “đất nuốt tài sản” ảnh 1
Đường phòng hộ đê biển Tây ở Cà Mau bị sụt lún sâu hơn 2m.

Ban bố tình huống khẩn cấp, “cầu cứu” chuyên gia

Trước tình trạng sụt lún đất ngày càng nghiêm trọng, điều kiện thời tiết khô hạn còn đang tiếp diễn. Đầu tháng 3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Tỉnh Cà Mau đang phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đánh giá thực trạng tác động do hạn hán trên địa bàn tỉnh nói chung và tình hình sụt lún đất nói riêng. Về tình trạng sụt lún đất, tỉnh Cà Mau đang khẩn trương cùng các nhà khoa học, các chuyên gia xác định rõ nguyên nhân, mức độ và ảnh hưởng để đưa ra giải pháp phù hợp.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, bước đầu xác định nguyên nhân chính là do thiếu nước ngọt, hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín. Đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngầm, địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu... gây ra sạt lở, sụt lún. Trong khi đó, biến đổi khí hậu thường xuyên gây ra các hiện tượng cực đoan. 

Nếu tình trạng hạn hán kéo dài xảy ra thì việc thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, gây hư hỏng các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao…

Trước mắt, xử lý sạt lở, sụt lún đê biển Tây theo thực tế. Đặc biệt là hộ đê bằng kè mái nghiêng với rọ đá. Riêng xử lý tạo phản áp khắc phục sự cố sụt lún đê biển Tây, tỉnh chọn giải pháp bơm bùn cát vào trong kênh mương đê với cao trình thích hợp, với tổng chiều dài 4.200m, tổng kinh phí 45 tỷ đồng. 

Đối với xử lý sụt lún công trình giao thông, tỉnh Cà Mau triển khai phương án đắp trả cát hoặc đất khô đầm nén đối với phần mặt đường bị sụt lún, phía ngoài tạm thời đắp đất để giữ lề.

Riêng đối với những tuyến đường có quy mô đường cấp VI trở lên (đường ô tô đến trung tâm xã) bị sụt lún với cung trượt lớn thì ngoài các giải pháp nêu trên còn kết hợp với đắp bệ phản áp. Xem xét đến việc duy trì mực nước trong các kênh dọc tuyến để tạo áp lực cân bằng cho nền đường…

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, dự báo mùa khô năm 2020 có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí tháng 6. Trong khi tình hình sụt lún, sạt lở xảy ra nghiêm trọng, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa có hiệu quả, nếu kéo dài đến hết mùa khô, thiệt hại sẽ rất lớn. 

Trong khi chờ đợi nghiên cứu thực hiện biện pháp căn cơ, lâu dài, trước mắt đòi hỏi phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời để giảm thiểu thiệt hại... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ