Bút phê trên bản tường trình

Mới đi học buổi thứ hai sau những ngày nghỉ tết, con trai tôi (đang học lớp 7) đã mang về “lì xì” cho ba mẹ một bản tường trình.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Trước khi truy hỏi, la mắng con, tôi tìm hiểu sự việc qua giáo viên chủ nhiệm và được biết sự việc không đến nỗi nghiêm trọng. Còn con cũng kể hết cho tôi nghe sự việc và kêu mình bị oan. 

Con cho biết trong giờ toán, thầy giáo đưa ra một bài tập và nêu vấn đề “làm thế nào giản lược một con số trong bài toán”. Khi cả lớp đang “bí”, một bạn ngồi gần chỗ con tôi nhỏ nhẹ chen vào: “Chém nó như chém trái cây ấy thầy”. 

Đây là lời nói đùa, chỉ đủ cho mấy bạn ngồi quanh đó nghe và con tôi cũng nghe thấy nên đã bật cười. Thầy giáo yêu cầu con đứng dậy, hỏi xem cười chuyện gì? 

Con tôi thuật lại câu nói làm con cười nhưng không trả lời đó là bạn nào khi được thầy hỏi tiếp, vậy là thầy ra “chỉ thị”: “Về viết bản tường trình đưa cho phụ huynh đọc, ký tên rồi mang lên nộp cho tôi vào ngày mai”.

Trong lúc tôi đang la con thì chồng tôi (cũng là giáo viên) đi làm về. Nghe hết câu chuyện, chồng tôi hỏi con: “Có thật con không biết bạn nào nói hay con cố tình che giấu cho bạn?”. 

Con tôi vẫn khẳng định không biết ai phát ra câu nói đó. “Trong trường hợp này, người nói không đáng lên án bằng người cười đâu” - Chồng tôi “chốt” lại rồi bảo con làm bản tường trình. 

Trước khi ký vào bản trường trình của con, chồng tôi “bút phê” mấy dòng: “Đề nghị giáo viên có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc cháu trước tập thể lớp và tiến hành điều tra xem học sinh nào phát ra câu nói đó. Nếu không có học sinh nào nhận, đề nghị thầy cho những bạn ngồi xung quanh cháu dọn nhà vệ sinh trong một tháng”.

Hôm sau, con tôi lên lớp với vẻ mặt buồn rười rượi, các bạn của con hỏi thăm thì con tôi đưa bản tường trình ra cho đọc. Đọc xong, những bạn ngồi quanh chỗ con cũng lo lắng.

Đến giờ toán, con tôi nộp bản tường trình cho thầy thì một học sinh đứng lên nhận khuyết điểm là chính cậu ấy đã phát ngôn những từ không đẹp trong giờ toán hôm qua trước sự ngỡ ngàng của giáo viên và cả lớp.

Từ câu chuyện bản tường trình của con, tôi thấy giữa gia đình và các thầy cô cần thường xuyên cung cấp thông tin trao đổi về tình hình học tập cũng như có sự kết hợp hài hòa, uyển chuyển với các tình huống xảy ra, mà vẫn bảo đảm tính nghiêm khắc nhằm tạo được hiệu ứng tốt cho học sinh, đặc biệt là việc hình thành tính tự giác và trung thực ở trẻ. 

Đó sẽ là bài học bổ ích để trẻ làm nền tảng vững bước vào đời.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.