Búp sen vẫn xanh, cây tùng ngả bóng

GD&TĐ - Tác giả “Búp sen xanh” ra đi ở tuổi 93 sau 11 năm chống chọi với di chứng từ bệnh tai biến.

Cố nhà giáo Văn Như Cương và bạn bè thăm nhà văn Sơn Tùng (ảnh năm 2015).
Cố nhà giáo Văn Như Cương và bạn bè thăm nhà văn Sơn Tùng (ảnh năm 2015).

Đúng như tên ông – Sơn Tùng – cây tùng trên núi, không chỉ đem đến những áng văn hay, mà còn thể hiện rất rõ khí phách và nghị lực sống.

Trước khi mất, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến và chịu đựng các di chứng nặng suốt 11 năm ròng. Ông liệt nửa người, mất hoàn toàn khả năng tự sinh hoạt nhưng trí óc vẫn minh mẫn.

Nghị lực Sơn Tùng

Nhà văn Sơn Tùng.

Nhà văn Sơn Tùng.

Trước khi phải nằm một chỗ, ông đang thực hiện dở cuốn sách về Bác Hồ và ấp ủ viết một cuốn tiếp theo về quê hương Nghệ An. Bản thảo có tên “Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”, được viết dựa trên nhiều nguồn tư liệu. Trong đó, có tư liệu ghi lại từ cuộc gặp gỡ, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột của Bác Hồ).

Anh Bùi Sơn Định - con trai thứ của nhà văn, cho biết: Dù chỉ nằm yên một chỗ, nói vài từ đơn giản, trí nhớ nhà văn vẫn minh mẫn. Con trai thường đọc bản thảo trực tiếp cho ông nghe hoặc ghi âm lại để ông nghiền ngẫm. Dù không thể giải thích tường tận, ông có thể gật, lắc với những điều đúng sai mà con trai nói.

Theo nhà văn Thiên Sơn - cháu gọi nhà văn Sơn Tùng bằng bác: Tác giả “Búp sen xanh” sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy, nay là Kim Lũy, xã Diễn Kim (Diễn Châu - Nghệ An). Ông sớm rời quê hương Diễn Châu tham gia cách mạng từ những năm 1950.

Tháng 4/1971, ông bị thương nặng trở về với 14 mảnh đạn trên thân thể. Liệt tay phải, vỡ vai trái, mắt phải còn 1/10 thị lực, ba mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được.

Mất 81% sức khỏe, xếp hạng thương tật 1/4, song ông vẫn cầm bút viết. Từ 1974 đến năm 2010, với bàn tay chỉ còn ba ngón cầm bút được, ông đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.

Nhà thơ Ngô Đức Hành nói rằng, nhà văn Sơn Tùng là biểu tượng của nghị lực sống phi thường. Nhiều năm ông chiến đấu cùng tử thần, rồi sau khi tai biến phải chống chọi với đủ thứ di chứng nhưng vẫn làm việc và sáng tạo không ngừng nghỉ.

Vào năm 2011, khi nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Nhà văn lúc đó là nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu rằng: Tên tuổi Sơn Tùng từng là biểu tượng của thế hệ thanh niên, được cử đi dự Festival thanh niên sinh viên thế giới thời chống Pháp.

Đến kháng chiến chống Mỹ, Sơn Tùng bị thương nặng, ông trở thành thương binh - bệnh nhân ngoại trú cả đời. Từ đây, là cả một chặng dài với nghị lực phi thường, Sơn Tùng phấn đấu và rèn luyện để phục hồi trí nhớ, phục hồi sức sáng tạo.

Xanh mãi “Búp sen xanh”

“Búp sen xanh” – tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Sơn Tùng.

“Búp sen xanh” – tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Sơn Tùng. 

Nhà văn Sơn Tùng có nhiều tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn như “Bên khung cửa sổ” (1974), “Trần Phú” (1980), “Lõm” (viết năm 1976, in lần đầu năm 1994), “Trái tim quả đất” (viết năm 1988, in lần đầu năm 1990), “Bác ở nơi đây” (2005)...

Nhưng có lẽ theo đánh giá của giới văn học, mảng sách thành công và để lại ấn tượng mạnh nhất của Sơn Tùng là viết về đề tài Bác Hồ.

Tiểu thuyết “Búp sen xanh” viết về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi đôi mươi của chàng thiếu niên Nguyễn Sinh Cung ở Nghệ An, rồi Huế - nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của một nhà cách mạng vĩ đại.

Sơn Tùng là nhà văn được đánh giá là cây bút mở ra hướng mới khi viết “đời thường hóa” vị lãnh tụ. Cách viết ấy làm cho bạn đọc cảm thấy các lãnh tụ, cũng như danh nhân khác gần gũi hơn với đời sống. Cho đến nay, “Búp sen xanh” đã được tái bản hơn 30 lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Năm 1990, khi các nhà làm phim đề nghị ông viết một kịch bản phim kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sơn Tùng đã chuyển thể “Búp sen xanh” thành “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”, kịch bản sau đó in thành sách vào năm 2015.

Anh Sơn Định cho biết, ngày nhà văn còn khỏe, ông vẫn thường nói tới một nguyên tắc khi viết về các vĩ nhân: “Viết về Hồ Chủ tịch và các vĩ nhân, ta có thể thả hồn vào trong đó chứ không được bịa. Bịa là có tội với Hồ Chủ tịch và các vĩ nhân...”.

Khi tiếp xúc với các nguồn tin, nhà văn Sơn Tùng có tiêu chí riêng để xác minh: “Một câu chuyện cần phải có ít nhất ba người ở ba nơi khác nhau nói, tuy cách trình bày có thể khác nhau nhưng cùng chung một sự kiện thì mới đủ tin cậy”. Đó là lý do khi còn sống, Sơn Tùng phải lặn lội vào Nam ra Bắc để gặp các nhân vật liên quan.

Ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn Sơn Tùng còn sáng tác thơ. Trong đó đáng chú ý là bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” (1955) và “Cửa sổ xanh” (1971). Bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” sau ngày đất nước thống nhất đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.

Nhà văn Sơn Tùng ra đi, cây tùng trên núi đã ngả bóng nhưng búp sen vẫn mãi xanh và toả hương thơm ngát. Những áng văn hay và cách sống kiên cường của nhà văn Sơn Tùng sẽ còn đọng lại – long lanh như những giọt sương mai.

Theo gia đình nhà văn Sơn Tùng, tang lễ của ông diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó di quan về quê nhà, an táng tại làng Kim Lũy, xã Diễn Kim (Diễn Châu - Nghệ An).

“Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.