Bùng phát dịch sốt phát ban dạng sởi ở Nghệ An: Người dân không nên hoang mang

GD&TĐ - Ngay sau khi có thông tin 1 bệnh nhi tử vong do sốt phát ban dạng sởi, đoàn Sở Y tế do ông Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc dẫn đầu đã về trực tiếp chỉ đạo. 

 Điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh sởi tại bản Piềng Cọc, Mai Sơn, Tương Dương
Điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh sởi tại bản Piềng Cọc, Mai Sơn, Tương Dương

Tuy nhiên ở Piêng Cọc (xã Mai Sơn, Tương Dương) - Nơi bùng phát bệnh không có điện, phải đi thuyền 4 tiếng và nhiều giờ đi bộ nên ngành y đã thành lập khu điều trị dã chiến ngay tại trường tiểu học của xã để tập trung cứu chữa.

Lập trạm dã chiến dập dịch

Bệnh nhi tử vong hôm 8/10 vừa qua được xác định là cháu Và Bá Nù (18 tháng tuổi) con trai của Phó bản Piềng Cọc.

Theo ông Trần Văn Công - Phó Giám đốc Trung tâm y tế Tương Dương, bệnh nhi có tiền sử về bệnh còi xương, suy dinh dưỡng nên khi bị sốt cao đã qua đời. 

Ông Công cũng cho biết: cho đến thời điểm hiện tại, ở bản Piêng Cọc đang có 48 cháu nhỏ từ 1 - 14 tuổi bị sốt phát ban dạng sởi. 

Trong đó, có 31 cháu sau khi được chữa trị đã cơ bản ổn định, được đưa về nhà để tiếp tục theo dõi; 17 cháu còn lại hiện tiếp tục được các y bác sỹ tập trung chữa trị. 

Trước đó, ngày 29/9 có 2 trẻ em người Lào bị sốt và được đưa tới điều trị tại trạm y tế xã Mai Sơn lưu trú tại địa phương 3 ngày nên có thể đây là nguồn lây bệnh. Hiện tại bản Phà Đảnh, nước bạn Lào, cách bản Piềng Cọc hơn 1 giờ đi bộ hiện đã có 10 trường hợp tử vong.

Xã Mai Sơn là 1 trong 4 xã vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, phượng tiện giao thông đi vào xã chỉ bằng đường thuyền, chưa có sóng điện thoại, các bản cách nhau xa, đời sống dân bản khó khăn. 

Trong khi đó, Piềng Cọc là bản nghèo đồng bào sống rải rác, trình độ dân trí thấp, nhiều trẻ em suy dinh dưỡng, vệ sinh môi trường kém, dịch sởi có điều kiện bùng phát.

Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - cho biết: Ngay sau khi nhận được nguồn tin từ Trạm Y tế xã Mai Sơn, dịch sởi bùng phát ở bản Piềng Cọc, UBND huyện đã tiến hành họp khẩn cấp, bàn giải pháp ứng phó. 

Ngay sau đó, Đội phòng, chống dịch của huyện được thành lập gồm 3 bác sĩ đa khoa, 7 y sĩ của bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế huyện, do ông Hợi trực tiếp chỉ đạo.

Trước đó, ngày 1/10, ngành Y tế huyện Tương Dương đã tiến hành tiêm vắc-xin phòng sởi - rubella tại bản Piềng Cọc, phát hiện có 7 cháu bị sốt. Đến ngày 8/10, dịch bắt đầu bùng phát, số cháu nhiễm bệnh tăng nhanh.

UBND huyện Tương Dương đã quyết định thành lập trạm dã chiến tại bản Piềng Cọc và tạm thời ngừng việc giảng dạy của trường tiểu học, mầm non khối bản Piềng Cọc để trưng dụng 5 phòng học làm phòng điều trị; thông báo vùng có dịch cho toàn xã Mai Sơn, nghiêm cấm mọi người vào vùng có dịch và cấm người dân bản Piềng Cọc ra khỏi địa bàn; huy động thanh niên toàn xã giúp nhân dân Piềng Cọc tổng dọn vệ sinh.

Để phục vụ tốt công tác này, đội ngũ y bác sĩ trong đội phòng chống dịch đã tiến hành các biện pháp cấp cứu khẩn cấp, tập trung cao độ cho việc khống chế dịch, thường trực 24/24 để theo dõi tình trạng bệnh nhân, thông báo vùng có dịch cho toàn xã Mai Sơn.

Dốc toàn lực giám sát dịch bệnh

Có mặt chỉ đạo tại vùng dịch, ông Hoàng Văn Hảo cho biết: Hiện ngành Y tế Nghệ An đã khống chế lượng người bệnh, theo dõi 79 em nhỏ khác và lấy mẫu xét nghiệm gửi ra Bộ Y tế để chờ kết luận. 

Để khống chế tình trạng dịch lây lan, Sở Y tế đã cử 12y sỹ và bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện đến điểm điều trị dã chiến này, đồng thời đưa 2 máy tạo ôxy đến trạm y tế xã Mai Sơn để đề phòng những bệnh nhân biến chứng nặng, suy hô hấp cấp, diễn biến xấu. 

Sở chỉ đạo Trung tâm Y tế, bệnh viện huyện cùng tổ công tác ở Piêng Cọc thường xuyên giám sát, không để dịch tiếp tục bùng phát, lây lan sang các địa bàn khác và kịp thời báo cáo diễn biến hàng ngày, đồng thời Sở y tế cũng chuẩn bị them phương án thành lập thêm một tổ công tác dự bị (là các y bác sỹ Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An) sẵn sàng lên Mai Sơn trong ngày 14/10 khi dịch bệnh gia tăng.

Về việc thông tin đồn thổi dịch sốt xuất huyết là do phản ứng của việc tiêm vacxin hôm 1/10 vừa qua, ông Hảo khuyên người dân không nên hoang mang vì bệnh sởi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ không sao. Tuy nhiên, không được chủ quan, chúng ta phải đề phòng lây nhiễm chéo. 

Trên thực tế, sởi là một bệnh khó chẩn đoán, trước khi xuất hiện sởi bệnh nhân thông thường sốt nhẹ, ho khan, không có đờm, chảy nước mũi, mắt đỏ, đau đầu, đau cổ họng và có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. 

Không nằm trong danh mục những bệnh nguy hiểm tuy nhiên diễn biến của bệnh sởi trong thời gian gần đây cho thấy diễn biến khó lường. Nếu có triệu chứng ho sốt, phải giám sát và cánh ly ngay. 

Hiện ngành Y tế đang tập trung dốc toàn lực để giám sát cũng như phòng tránh lây nhiễm rộng ra cộng đồng, tập trung công tác tuyên truyền để người ệnh sởi; tiếp tục thu dung và điều trị cách ly bệnh nhân…

Theo thông tin chúng tôi nhận được số lượng trẻ trong tình trạng nặng, biến chứng sang suy hô hấp đang nằm điều trị tại điểm trường Tiểu học bản Piềng Cọc đều là con gia đình khó khăn, không được ăn uống đầy đủ, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém bất lợi, khó khăn trong điều trị. 

Trước tình hình như vậy, chính quyền UBND huyện Tương Dương đã quyết định hỗ trợ kinh phí kịp thời cho công tác khống chế dịch cũng như chỉ đạo Quỹ bảo trợ trẻ em hỗ trợ 200.000 đồng mỗi cháu, huy động giáo viên mầm non Mai Sơn nấu cháo phục vụ các cháu để bổ sung dinh dưỡng và tăng khả năng đề kháng. 

Huyện Tương Dưỡng cũng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ vật chất cho các cháu, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các bệnh nhân nghèo theo quy định của UBND tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ