Bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hoá nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030.

Bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài nhằm bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, văn nghệ sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Đề án phấn đấu đến năm 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài 300 cử nhân, 180 thạc sĩ, 50 tiến sĩ; 40 người có trình độ trung cấp và bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 360 người là giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật toàn quốc theo các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án.

Đề án ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hoá nghệ thuật thuộc 6 lĩnh vực và 1 ngành, gồm: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học.

Lựa chọn các cơ sở đào tạo uy tín, có thế mạnh đào tạo về văn hóa nghệ thuật thuộc các lĩnh vực và ngành đào tạo của Đề án ở các nước tiên tiến như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, trong đó ưu tiên gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đã ký thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh Việt Nam.

Theo Đề án, đối tượng được đào tạo trình độ đại học là học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong nước đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện hoặc đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế; lưu học sinh đã tốt nghiệp trung cấp tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài theo Đề án này được cơ sở đào tạo trong nước cử đi học trung cấp đề nghị dự tuyển trình độ đại học; học sinh, sinh viên xuất sắc thuộc chương trình đào tạo tài năng tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật được lựa chọn để gửi đi đào tạo ở nước ngoài với cùng trình độ hoặc trình độ cao hơn.

Đào tạo trình độ thạc sĩ cho các đối tượng sau: Giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên của cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hoá nghệ thuật trong nước được cơ sở đào tạo, nghiên cứu đề nghị dự tuyển trình độ thạc sĩ; sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật trong nước có nguyện vọng đi học tập ở nước ngoài để về làm giảng viên, nghiên cứu viên cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật; lưu học sinh đã tốt nghiệp đại học tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài theo Đề án này được cơ sở đào tạo trong nước cử đi học đại học đề nghị dự tuyển trình độ thạc sĩ. 

Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên hoặc các đối tượng là lưu học sinh tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài với kết quả học tập đạt loại xuất sắc và được cơ sở đào tạo nước ngoài nhận đào tạo chuyển tiếp trình độ tiến sĩ.

Theo Văn phòng Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ