Sáng nay, 5-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.
Thông tư này quy định đối với yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Theo đó, Thông tư nêu rõ: "Các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2010/TT-BYT ngày 2/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế và yêu cầu quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư”.
Về yêu cầu đối với các vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, Thông tư của Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng được quy định cụ thể theo Thông tư này..
Nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu ban hành kèm theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29-12-2017 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Thông tư cũng nói rõ, các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường mà các địa phương đã đấu thầu (tính từ thời điểm mở thầu) cung cấp cho các Trường mẫu giáo và Tiểu học trước ngày Thông tư có hiệu lực được sử dụng cho đến hết số lượng theo Hợp đồng đã và sẽ ký hết.
Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 20-1-2020.
Trước đó, trong quá trình xây dựng Thông tư này, có sự bất đồng quan điểm về việc nên bổ sung 3 vi chất, 18 vi chất hay 21 vi chất.
Trả lời báo chí ngày 15-8-2019, đại diện cơ quan Bộ Y tế cho biết, việc bổ sung bao nhiêu vi chất vào sữa học đường cần có cơ sở khoa học, bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả là phải hướng tới thực hiện chỉ tiêu trong quyết định 1340/QĐ-TTg (đáp ứng nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ em MG, TH thêm 30% vào năm 2020).
Bộ Y tế cũng cam kết làm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các doanh nghiệp và ý kiến của các nhà khoa học tạo về nội dung này nhằm tạo đồng thuận cao nhất.