(GD&TĐ) - Ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có buổi tiếp, làm việc thân mật với đoàn công tác của sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, cùng tham dự có cán bộ các vụ, cục Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chụp ảnh với các cán bộ ngành GD&ĐT TP HCM |
Tại buổi làm việc, Giám đốc sở GD&ĐT TP. HCM Lê Hồng Sơn đã báo cáo với Bộ trưởng về tình hình hoạt động trong công tác của ngành GD&ĐT TP. HCM. Mục tiêu tổng quát cho những định hướng trong năm học 2011-2012 và thời gian tới của ngành GD&ĐT TP. HCM là nhằm nâng cao trình độ dân trí một cách toàn diện, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực của thành phố; tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ thống giáo dục mầm non; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học; củng cố nâng cao kết quả xóa mù chữ; triển khai có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp thành phố; đẩy mạnh công tác phân luồng HS THCS; phát triển nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp.
Từ năm 2012-2015, ngành GD&ĐT TP. HCM quyết tâm phấn đấu để đạt các mục tiêu đó là: Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, xây dựng nâng cấp mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố theo Đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp đã được UBND thành phố phê duyệt, chú trọng xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia, trường chất lượng cao; Đổi mới toàn diện nhà trường, xây dựng các mô hình trường học, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo chất lượng; Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi để người dân học tập suốt đời; Duy trì kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và phổ cập bậc trung học; Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Triển khai có hiệu quả đề án phổ cập và nâng cao năng lực tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp thành phố; Phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động và các đơn vị đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội; triển khai có hiệu quả chương trình hành động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Với chỉ tiêu 80% các trường học và trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất; 20% các trường Mầm non, Tiểu học, 10% các trường THCS, THPT đạt chuẩn Quốc gia. Mỗi bậc học phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp ở từng quận huyện ít nhất có một trường học là trường chất lượng cao. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012. 100% HS được học tiếng Anh, 100% trẻ 5 tuổi vào học mẫu giáo, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, 99% trẻ trong độ tuổi 11 đến 14 theo học bậc THCS. Tỷ lệ phân luồng HS sau THCS là 25%. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động đào tạo nghề đạt 70%, 90% phường xã có Trung tâm học tập cộng đồng.
Giai đoạn từ 2015-2020, ngành GD&ĐT TP. HCM sẽ tiếp tục thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD&ĐT của thành phố theo hướng hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập khu vực và thế giới đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế trí thức. Mục tiêu đến cuối năm 2020, 100% các trường học trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất, 40% các trường mầm non, Tiểu học, 30% các trường THCS, THPT đạt chuẩn Quốc gia, ở từng quận huyện mỗi bậc Mầm non, Tiểu học có ít nhất 3 trường học bậc THCS, THPT có 2 trường tiên tiến hiện đại.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã biểu dương, khen ngợi những thành tích xuất sắc mà ngành GD TP. HCM đã đóng góp vào sự nghiệp giáo dục chung của cả nước. Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trong thời gian tới ngành GD TP. HCM cần triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục đã đề ra, qua đó cùng nâng cao chất lượng giáo dục chung.