Ngày 19/4, trong bài phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Chúng tôi đang thấy ở Sahel và trên khắp châu Phi, môi trường về địa chiến lược và chính sách an ninh trở nên khó khăn hơn”.
Ông nói rằng đề xuất của Nga ở đây rõ ràng đang được củng cố và “cộng đồng phương Tây đang mất dần vị trí” – hãng tin RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Đức.
Ông Pistorius nhấn mạnh khu vực này vẫn có tầm quan trọng chiến lược, "bất chấp sự hiện diện của Nga, và có thể là vì sự hiện diện của Nga". Tuy nhiên, ông lưu ý sự hỗ trợ quốc tế đã làm rất ít để duy trì an ninh ở khu vực Sahel. Ông liên hệ điều này với sự khởi đầu cuộc xung đột Ukraine nhưng không giải thích lý do cho mối quan hệ đó.
Ngày 26/3, tờ The Washington Post chỉ ra rằng trong chuyến công du châu Phi, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã vấp phải một vấn đề. Đó là lo ngại lan rộng rằng chính quyền Mỹ đang cải thiện quan hệ với các nước châu Phi vì muốn chống lại Nga và Trung Quốc chứ không phải vì lợi ích của cư dân trên lục địa này.
Trước đó, ngày 20/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng châu Phi sẽ trở thành một trong những đầu tàu của trật tự thế giới đa cực.
Ngày 25/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh quan điểm mà Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Cộng hòa Nam Phi (Nam Phi) Naledi Pandor nêu trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong đó thể hiện việc bác bỏ đối với áp lực của các nước phương Tây trên lục địa châu Phi.
Tháng 7 năm ngoái, ông Sergei Lavrov lưu ý rằng mối quan hệ của Moscow với các đối tác châu Phi dựa trên "mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đã được thử thách qua thời gian".