Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Dùng cát biển làm cao tốc phải 'đánh giá kỹ'

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh, việc sử dụng cát biển cho các dự án trọng điểm quốc gia, làm cao tốc, phải đánh giá kỹ tác động môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Sáng 4/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực Tài nguyên-Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này.

Để giải quyết căn cơ vướng mắc trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cần luật hóa nội dung này nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Bích Ngọc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự đồng lòng của các địa phương, nên đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc.

Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm quốc gia. Nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn sáng 4/6.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn sáng 4/6.

Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản, gồm: Kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi.

Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.

Về phương án sử dụng cát biển, Bộ trưởng cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn.

Trước lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án, sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh báo cáo một số vấn đề liên quan nội dung chất vấn.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ quản lý đa ngành, giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về 9 lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, viễn thám.

Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ngành cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng tin tưởng, mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.

Nhóm chất vấn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (từ 8h10 ngày 4/6 đến 14h20 ngày 4/6) sẽ tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.