Ban đầu, đoàn Bộ trưởng đến phòng khám Raffles Medical (167A, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3). Nơi đây đang có 48 bác sĩ, nhân viên y tế bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, là nơi tiếp nhận khám cả đối tượng có bảo hiểm nước ngoài, khám sức khỏe xin visa. Trước đó năm 2016, phòng khám đã bị phạt 8 triệu đồng vì thiếu bác sĩ trong tiếp nhận khám sức khỏe tổng quát. Lần kiểm tra này, lỗi vi phạm đã được khắc phục.
Sau khi rời phòng khám Raffles Medical, đoàn kiểm tra tiếp tục đến kiểm tra đột xuất phòng khám MAYO (35B, đường 3/2, phường 11, Quận 10). Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với BS Nguyễn Công Phúc là giám đốc phụ trách chuyên môn ở đây.
BS Nguyễn Công Phúc cho biết, phòng khám hoạt động bắt đầu từ đầu năm 2016. Chủ đầu tư là “một nhóm người”. Tuy nhiên, người nước nào thì BS Công Phúc không nắm rõ. Hiện chỉ có 5 bác sĩ và “một số” điều dưỡng đang làm việc tại đây. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận trung bình 20 bệnh nhân, tập trung vào các nhóm bệnh: bệnh nội tổng quát, ngoại tổng quát và sản phụ khoa.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bất ngờ vì một phòng khám với quy mô khá lớn, 8 tầng lầu với nhiều khoa phòng nhưng chỉ có 5 bác sĩ và thiếu thốn trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, siêu âm. Bộ trưởng cho rằng, cả hai phòng khám Raffles Medical và MAYO đều gặp khó trong vấn đề tìm nguồn nhân lực phù hợp.
Phòng khám thứ 3 bị kiểm tra bất ngờ là Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi (277 đường Nguyễn Trãi , phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1). Tại đây, khi kiểm tra sổ ghi ghép bệnh, phòng khám không lưu bệnh án chi tiết mà chỉ ghi qua loa chẩn đoán ban đầu với các triệu chứng đa phần là ngoại khoa. Việc ghi chép địa chỉ bệnh nhân cũng không rõ ràng, đoàn không thể liên hệ với bệnh nhân. Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Tôi thấy toàn triệu chứng ngoại khoa và chẩn đoán bệnh ngoại khoa. Vậy đây là phòng khám ngoại khoa hay đa khoa?”.
Đáng chú ý, khi đoàn kiểm tra rất nhiều bàn khám bệnh ở đây thì không có mặt bác sĩ. Phòng khám lại không dùng sổ khám bệnh, hỏi bệnh án thì cũng không có. Nhân viên hành chính cho biết: “Phòng khám này có bác sĩ nhưng bác sĩ ốm xin nghỉ”. Đại diện phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi biết, nơi này, mỗi ngày chỉ có 5-6 bệnh nhân đến khám chữa bệnh.
Phòng khám này có 2 bác sĩ Trung Quốc đến khám, phụ trách khám ngoại khoa. Hầu hết các kỹ thuật thực hiện chỉ là cắt bao quy đầu, cắt trĩ. Giá các phẫu thuật này ở đây khá cao, ví dụ, cắt bao quy đầu giá 22-35 triệu đồng, cao hơn 10 lần so với giá ở bệnh viện công.
Trao đổi về các vi phạm của phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TPHCM, TS.BS Bùi Minh Trạng – Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, năm 2016, tổng số tiền phạt cho 14.000 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TPHCM là 10 tỷ. Riêng 16 phòng khám Trung Quốc số tiền phạt lên đến 1,1 tỷ đồng, chiếm hơn 10%.
Thời gian qua, Sở Y tế đã ghi nhận nhiều “vấn đề” ở các phòng khám có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là phòng khám Trung Quốc. Theo đó, người bệnh phản ánh nhiều nhất là giá cả khám chữa bệnh tại đây: “Dù luật pháp cho phép các cơ sở y tế tư nhân được tự chủ về giá. Thế nhưng, giá khám chữa bệnh phải được niêm yết và công khai với người bệnh. Thời gian qua, nhiều bệnh nhân phản ánh giá khám bệnh tại các phòng khám mập mờ, và họ không được thông báo trước về giá. Bên cạnh đó, bệnh nhân cho biết mình bị các phòng khám vẽ bệnh. Nhiều người không có bệnh mà bị chẩn đoán bệnh nặng. Về vấn đề pháp lý thì đây là hành vi chẩn đoán sai. Về giá cả, năm 2017, theo Luật giá mới, các phòng khám sẽ phải niêm yết giá và giá phải được đăng ký với Sở Y tế để ngăn chặn việc phòng khám lấy giá trên trời” – TS Bùi Minh Trạng khẳng định.
TS Bùi Minh Trạng cũng cho biết, Sở Y tế TPHCM đã đi kiểm tra các phòng khám đa khoa ở địa bàn và sau khi kiểm tra sẽ phân hạng phòng khám giống như phân hạng chất lượng bệnh viện. Các phòng khám có yếu tố nước ngoài cũng sẽ được kiểm tra và đánh giá giống như phòng khám trong nước nhưng ưu tiên đánh giá trước.