Bổ trợ hữu ích dạy học mùa dịch từ bài giảng trên truyền hình

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh nhiều địa phương, nhà trường đã tận dụng, dạy học trực tuyến là phương thức chính, kết hợp với dạy học trên truyền hình để bổ trợ hữu ích cho học sinh (HS), đặc biệt HS lớp 1, lớp 2.

Học qua truyền hình giúp HS vững vàng hơn kiến thức
(Ảnh minh họa)
Học qua truyền hình giúp HS vững vàng hơn kiến thức (Ảnh minh họa)

Song song dạy học trực tuyến và truyền hình

Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), 100% HS tham gia học trực tuyến hàng ngày, tuy nhiên nhà trường vẫn khuyến khích HS theo dõi thêm bài dạy trên truyền hình để củng cố bài học, kiến thức.

“Theo dõi chương trình dạy học bổ trợ trên kênh VTV7 không chỉ giúp HS nắm chắc chắc kiến thức mà giáo viên (GV) cũng được hỗ trợ, nâng cao hiệu quả. Hiện tại trường chưa khảo sát số lượng HS theo dõi, song GV và phụ huynh đều đánh giá tích cực dạy học bổ trợ qua truyền hình…” – Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết.

Cô Khuất Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây – Hà Nội) đánh giá cao sự hữu ích của dạy học trên truyền hình bởi đội ngũ giảng dạy đa số đều là những chuyên gia, GV giỏi, chuyên môn cao. Các bài giảng truyền hình được trau chuốt kiểm định chất lượng…

Như vậy, khi HS lớp 1, 2 đã học qua room vẫn theo dõi dạy học trên truyền hình sẽ vững vàng hơn kĩ năng, kiến thức. Về phía GV cũng tích lũy thêm kinh nghiệm để xây dựng bài giảng dạy học trực tuyến, cách truyền đạt kiến thức hiệu quả…

“Với HS vùng quê như HS trường Tiểu học Thanh Mỹ, tỉ lệ HS có máy tính học trực tuyến còn thấp, cơ bản học qua điện thoại di động, nên chất lượng hạn chế (do đường truyền, thao tác chưa thành thạo, tương tác kém, không có sự hỗ trợ của bố mẹ…). Theo dõi bài giảng qua truyền hình cần thiết với HS lớp 1, 2 để bổ sung thời lượng và kiến thức…”– cô Khuất Thị Nga trao đổi.

Cô Đỗ Thị Mỹ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Mỹ (Hoa Lư – Ninh Bình)  cho biết, HS của trường vẫn học trực tiếp nhưng Ban giám hiệu đã chủ động thông tin lịch học, thời lượng… học qua truyền hình tới từng phụ huynh các khối 1, lớp 2.

Nhà trường coi đây như một kênh giúp GV có thêm điều kiện nghiên cứu bài giảng, phương pháp dạy học, HS bổ trợ thêm kiến thức; phụ huynh cùng theo dõi, học cùng con, hiểu và biết cách hỗ trợ cho con...

Dạy học qua truyền hình giúp HS được củng cố thêm kiến thức
Dạy học qua truyền hình giúp HS được củng cố thêm kiến thức

Tại Trường Tiểu học Phong Khê (TP Bắc Ninh – Bắc Ninh) đang triển khai song song dạy học trực tuyến qua room và trên truyền hình. Lịch học trên truyền hình được GV chủ động nhắc nhở tới HS, phụ huynh sau các buổi học trực tuyến hàng ngày để không quên và theo dõi đúng giờ.

Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng cũng cho biết, trong xây dựng thời gian biểu dạy học trực tuyến, trường đã tính toán hợp lý để 2 hoạt động không bị trùng nhau, HS có thể tham gia được cả học trực tuyến lẫn trên truyền hình.

Đánh giá về kênh bổ trợ dạy học trên truyền hình, cô Nguyễn Thị Thủy khẳng định phù hợp về thời lượng, nội dung bởi HS lớp 1, 2 hiện nay học trực tuyến khoảng 1h/ngày vào buổi tối hoặc sáng. Nếu HS theo dõi thêm dạy học trên truyền hình cũng không nặng nề mà lại củng cố được kiến thức khi học trực tuyến.

Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết: Hiện nay ngành GD&ĐT Nghệ An đang triển khai nhiều hình thức dạy học tới HS tuy nhiên vẫn đánh giá cao kênh dạy học qua truyền hình cho HS khối 1, 2 bên cạnh dạy học trực tuyến.

Theo ông Hoa, sau giờ học trực tuyến HS có thể xem lại các tiết dạy trên truyền hình để bổ sung, củng cố kiến thức. Dạy học trên truyền hình sẽ tương trợ cho việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao hơn.

Do đó, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bảo chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường thông báo lịch học trên truyền hình tới từng cha mẹ HS có con học lớp 1, 2. Từ đó giúp phụ huynh chủ động nhắc nhở và hỗ trợ con trong quá trình học tập.

Học trên truyền hình giúp dạy học trực tuyến thêm hiệu quả
Học trên truyền hình giúp dạy học trực tuyến thêm hiệu quả

Không tạo áp lực dạy học trực tuyến

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu: Trước mắt, GV không thực hiện kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với HS lớp 1, 2.

Quan điểm trên được các nhà trường ủng hộ.

Cô Khuất Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây – Hà Nội) cho rằng, việc không kiểm tra đánh giá thời gian đầu khi dạy học trực tuyến là hợp lý bởi như vậy sẽ không tạo ra áp lực học tập cho HS và phụ huynh.

Dạy học trực tuyến với HS lớp 1, 2 thời gian đầu chỉ nên động viên khích lệ HS; giúp phụ huynh hiểu được việc hỗ trợ con học, con được học là cần thiết từ đó chủ động tự giác.

“Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì dạy học trực tuyến được xem như hình thức tối ưu nhất để HS không bị ngừng việc học. Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng HS có thể tiến hành sau khi HS đi học trở lại.

Trên thực tế khảo sát kết quả học tập của HS sau học trực tuyến, nhà trường, GV sẽ có kế hoạch và phương pháp bù kiến thức phù hợp…” – cô Khuất Thị Nga khẳng đinh.

Nhiều HS đang tiến hành học song song trực tuyến và truyền hình
Nhiều HS đang tiến hành học song song trực tuyến và truyền hình

Cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (Thành phố Bắc Ninh – Bắc Ninh) cũng bày tỏ quan điểm: Dạy học trực tuyến nếu kiểm tra, đánh gia ngay sau thời gian ngắn sẽ nặng nề và tạo áp lực cho HS nhỏ tuổi như HS lớp 1, lớp 2.

Tuy nhiên, GV vẫn cần có phương pháp, “thủ thuật” để nắm bắt được HS học tới đâu; làm sao để HS không lơ là khi học trực tuyến; cần theo sát để động viên, hỗ trợ HS kịp thời…

“HS lớp 1, 2 học trực tuyến cần được động viên khuyến khích giúp các em có hứng thú học tập, không ngại học. Việc kiểm tra, đánh giá sớm khi dạy học trực tuyến không phản ánh đúng kết quả bởi có nhiều tác động từ ngoại cảnh (mạng kém, học trực tuyến mệt mỏi, không được tương tác trực tiếp…).

Nếu nặng nề trong kiểm tra, đánh giá khi dạy học trực tuyến sẽ tạo ra áp lực học tập đối với HS lớp 1, 2 ngay từ khi bước vào học tập. Bản thân HS cũng chưa thực sự bắt nhịp, hòa nhập được với hình thức học tập mới…”- cô Thủy khẳng định.

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng giám đốc Học viện Thành Công trao đổi: Với HS lớp 1, 2 quan trọng là tạo ra hứng thú học tập với hình thức học tập mới, còn nhiều bỡ ngỡ  như trực tuyến.

Đánh giá hiệu quả, kết quả dạy học trực tuyến ngay bước đầu sẽ khó phản ánh chính xác. Dù GV nỗ lực đổi mới giảng dạy, phương pháp truyền tải kiến thức…, cũng không thể hiệu quả như dạy học trực tiếp.

Do đó không cần thiết phải đánh giá ngay với dạy học trực tuyến. Đánh giá là cả quá trình chứ không thể trong một thời điểm ngắn và khi điều kiện triển khai dạy học trực tuyến còn nhiều bất cập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ