(GD&TĐ) - Tại dự thảo mới nhất (lần 6) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm "rởm" đã bị loại bỏ.
Lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông |
Trước đó, trong Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi của Bộ GTVT từng quy định mức phạt đối với hành vi xe không chính chủ, trong đó xe máy từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng và ôtô từ 6 - 10 triệu đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận đại đa số ý kiến của người dân không đồng tình với quy định này, Bộ GTVT đã đề nghị bỏ xử phạt trong khi đó ngành Công an kiên quyết muốn giữ nguyên quy định này trong dự thảo Nghị định mới.
Liên quan đến các ý kiến trái chiều trên, trong hội nghị thẩm định Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi diễn ra ở Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã nêu lên ý kiến phải xử phạt và phải đưa vào Nghị định nhưng thời điểm phạt và mức phạt như thế nào cần nghiên cứu cho hợp lý.
Mặc dù Bộ Tư pháp, Bộ Công an đều đồng tình xử phạt xe không chính chủ nhưng tại Dự thảo mới nhất này, Bộ GTVT vẫn kiên quyết bỏ xử phạt xe không chính chủ.
Riêng về mũ bảo hiểm rởm, Bộ GTVT cho rằng, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là không đủ căn cứ pháp lý và không phù hợp nên đã bị loại bỏ trong dự thảo lần 6. Tuy nhiên, đối với các trường hợp không đội hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai thì vẫn bị phạt theo quy định hiện hành.
Đề cập đến vấn đề xử phạt nói trên, Bộ Công an cũng đồng tình với ý kiến của Bộ GTVT bởi theo quy định hiện hành, lực lượng Cảnh sát giao thông khi thực thi nhiệm vụ chỉ xử phạt liên quan đến mũ bảo hiểm gồm: Không đội mũ; đội mũ không cài quai đúng quy cách mà chưa có quy định nào xử phạt việc đội mũ không đảm bảo chất lượng, quy chuẩn.
Ngoài ra, trong dự thảo lần này, Bộ GTVT cũng bỏ xử phạt chủ xe không mua hoặc không nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông mà trước đó Bộ này đã quy định, với mức phạt từ 100.000 đồng đến 8 triệu đồng đối với từng cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, tại dự thảo mới nhất này cũng quy định phạt nặng đối với hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; trong đó, đối tượng điều khiển xe trên đường mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn trên 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá từ 0, 25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định xử phạt cả lái xe và chủ doanh nghiệp không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) hoặc hộp đen không hoạt động, không theo quy chuẩn ban hành, không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Việt Hùng