Chúng ta quần quật kiếm tiền, đầu tắt mặt tối, để lo cho tương lai của con, để rồi cuối ngày làm việc mệt nhoài, chúng ta không còn sức lực và niềm vui để ngồi bên con, trò chuyện với con, chơi với con một lát.
Chúng ta cố gắng để xây nhà cao hơn, to hơn, nhiều tầng hơn, mua sắm đủ vật dụng tiện nghi, sắm hết smartphone, iphone, ipad đời mới nhất, chúng ta cắm đầu vào đó, vứt cho con một cái tương tự để ta rảnh tay lướt mạng, comment trên facebook. Chúng ta bỏ lỡ những giây phút tuổi thơ của con mình, những cái ôm, những sự va chạm, những nụ cười, những điều sẽ trôi qua không bao giờ trở lại.
Chúng ta đã nhiều người trải qua tuổi thơ nghèo khó, nên muốn bù đắp cho con mọi điều, cho con ăn ngon, mặc đẹp, miếng cơm phục vụ tận miệng, cốc nước đưa đến tận tay, biến con thành một ông vua không ngai, kẻ bất lực không thể tự làm gì bởi đã bị tước đi khả năng tự lập.
Chúng ta muốn con mình mũm mỉm, béo tốt nên ép con ăn dù con khóc chảy nước mắt, ngậm chảy nước cơm, ăn xong nôn ra, nôn xong lại ăn. Hàng trăm bà mẹ mua cả thuốc tăng cân cho con uống, bất chấp việc thuốc không xuất xứ, không nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe và tính mạng của con.
Chúng ta đọc hàng chục cuốn sách, hàng trăm trang báo mạng, cập nhật những trào lưu ăn dặm, những xu hướng dạy con mới nhất, hết dạy con kiểu Mỹ lại tới kiểu nhật, hết Phương án không tuổi lại Phương pháp Glen Domman, để con chúng ta biến thành chuột bạch, lầm lũi và cuồng loạn trong ma trận dạy con được tạo ra bằng tình yêu của cha mẹ.
Và bởi vì chúng ta đã hi sinh, đã vất vả kiếm tiền, phục vụ con, dạy con như thế, nên chúng ta căng thẳng và mệt mỏi. Chúng ta trút xuống đối tượng nhỏ bé – không có khả năng tự vệ là con mình – đứa con chúng ta yêu nhất – những lời chửi bới, những quát mắng, những tức giận.
Con chúng ta cảm nhận như thế nào về tình yêu khi những gì con nhìn thấy là ánh mắt long sòng sọc, những lời chê bai của bố mẹ? Con chúng ta làm sao biết cha mẹ yêu mình khi họ thậm chí không thể dành thời gian cho con , vui cười cùng con?
Trong cuốn sách "Kindergarten is too late" (Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn) của tác giả Nhật Bản nổi tiếng Magaru Ibuka có viết "Thứ duy nhất mà cha mẹ cần làm đó là hãy dành nhiều thời gian hơn để yêu thương con". Thế nhưng, “thời gian” lại là thứ duy nhất các bố mẹ Việt luôn cảm thấy thiếu thốn và chưa bao giờ cảm thấy đủ.
Nhiều bà mẹ chia sẻ với tôi, biết thế nào là "nhiều" khi mẹ còn phải vất vả, bươn chải với đủ thứ việc trên đời, việc nhà, việc công sở, việc chăm sóc cho bản thân của mẹ hay làm thế nào để "yêu thương con đủ" khi mà ngoài con, mẹ còn biết bao gánh nặng đè nặng đôi vai... Còn các ông bố, thì phần lớn vẫn mặc định rằng “ nuôi con là việc chính của mẹ, việc của bố là trở thành trụ cột của gia đình”, có ý nghĩa gì không khi cái trụ cột ấy được xây dựng nên chỉ bằng số tiền mà bố mang về, có ý nghĩa gì không khi chẳng có một sợi dây gắn bó yêu thương nào giữa cái trụ cột ấy với con cái và các thành viên khác trong gia đình?
Trong cái vòng yêu thương luẩn quẩn đó, bố mẹ vẫn cứ mãi loay hoay, làm gì cũng cố gắng để chọn cho con những cái tốt nhất, sữa tốt nhất, bỉm tốt nhất, quần áo đẹp nhất, trường học uy tín nhất… để rồi vẫn luôn băn khoăn, thậm chí hoang mang tự hỏi “Mình yêu thương con như thế đã đủ chưa? Mình dạy con như thế đã đúng chưa?”….
Có lẽ, câu hỏi đúng ra nên là “Mình yêu con như thế đã đúng chưa?” và “Mình đã dành đủ thời gian để dạy con chưa?”.