Lùi thời điểm kết thúc năm học
Tối 14/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành xem xét cho học sinh nghỉ học hết tháng 2.
Trong công văn gửi UBND các địa phương tối 14/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của học sinh, Bộ sẽ điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học 2019-2020. Kế hoạch năm học chi tiết sẽ được xây dựng và hướng dẫn sau.
Văn bản này ban hành sau ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 14/2.
"Đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thật sự an toàn, an toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh.”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trước đó, trả lời báo chí trong chuyến công tác kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh COVID-19 (nCoV) trong trường học tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 (nCoV), Bộ GD&ĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp nên các địa phương cần cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại, chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các giáo viên. |
“Bộ GD&ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Nỗi niềm giáo viên khi phải nghỉ dạy bất đắc dĩ
Khi học sinh các cấp cả nước bất đắc dĩ phải nghỉ học vì dịch bệnh, phần lớn người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên không tránh được những ý kiến trái chiều và đâu đó có những “ganh tỵ” kiểu bỗng dưng được nghỉ làm mà vẫn hưởng lương,…
Những tưởng khi học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh thì giáo viên có chút thảnh thơi, nhưng ngược lại, họ phải làm việc vất vả, nhọc nhằn hơn. Tổng vệ sinh trường lớp và đảm bảo các điều kiện an toàn để sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại là việc đầu tiên giáo viên phải ưu tiên thực hiện. Họ làm việc như những lao công thực thụ, tận tâm, tận hiến vì sức khỏe của học sinh.
Cùng với đó, khi học sinh không đến trường, giáo viên phải soạn bài, giao bài tập, giảng bài online cho học sinh để đảm bảo việc học của các em không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, giáo viên được yêu cầu trau dồi kiến thức và tập huấn các công tác kiểm soát cơ bản sức khỏe học sinh, cập nhật tình hình dịch bệnh để thông tin thêm với phụ huynh nhằm thêm thông tin, trang bị cho học sinh cách chủ động phòng dịch bệnh.
Tân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng |
Bộ GD&ĐT có thứ trưởng mới
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, được Thủ tướng điều động làm Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ngày 13/2.
Tân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT 52 tuổi, là tiến sĩ ngữ văn, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại tỉnh Lạng Sơn, như: Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Bí thư huyện ủy Chi Lăng; Phó chủ tịch UBND tỉnh. Ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn từ tháng 4/2016.
Như vậy, Lãnh đạo cao nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện có: Bộ trưởng là ông Phùng Xuân Nhạ; Ba thứ trưởng là các ông: Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng.